Ngày 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Giảm hơn 128.000 biên chế
Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỉ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%. Bên cạnh đó, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước ban hành Nghị quyết thông qua các đề án với tỉ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.

Thông tin từ phiên họp cho hay nhân dân kỳ vọng hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả. .Ảnh: NHẬT BẮC
Đến ngày 8-5, toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoàn thành. Hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định cũng đã xong...
Theo đó, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, số giảm tương ứng lần lượt là 29 và 6.714.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho hay sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh dự kiến còn gần 92.000 người, giảm trên 18.400 người.
Ở cấp xã, biên chế cán bộ, công chức được bố trí khoảng 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người.
Đồng thời, hơn 120.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên cả nước sẽ kết thúc nhiệm vụ. Tổng cộng, biên chế giảm sau khi sáp nhập là hơn 128.000 người.
Tại phiên họp, các đại biểu nhận định để triển khai hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tích cực thực hiện Đề án tại địa phương.
Cần chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công và phương án sắp xếp, bố trí nhân sự để bắt tay vào thực hiện ngay sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch kiện toàn cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể.
Nỗ lực với mọi mục tiêu
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy trình, thủ tục sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và quy định liên quan. Việc triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân nhận đồng tình cao, hợp ý Đảng, lòng dân. Nhân dân kỳ vọng hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả.
Ngoài việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chính phủ và các bộ, ngành đang tích cực xây dựng các văn bản để triển khai đồng bộ theo hướng một luật hoặc một văn bản có thể sửa đổi nhiều quy định cùng lúc. Đồng thời, các cơ quan đã xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức bị ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Quá trình thực hiện được kết hợp với rút kinh nghiệm, đồng thời chú trọng công tác tư tưởng để tạo đồng thuận cao.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị hành chính địa phương.
Bên cạnh đó, có hướng dẫn ứng trước kinh phí của bộ, ngành, địa phương để chi trả càng sớm càng tốt cũng như hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Thủ tướng lưu ý sau khi ổn định tổ chức bộ máy theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư thì phải sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ để vận hành ngay, bảo đảm hoạt động tốt.
Một nội dung quan trọng nữa, theo Thủ tướng, đó là cùng với sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn, trong đó phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025. Vì thế, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành các mục tiêu, vững bước bước vào kỷ nguyên mới.
Khai thác lợi thế
Ngày 9-5, Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh An Giang - Kiên Giang cho biết 2 tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, phường. 2 tỉnh cũng thực hiện xong đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, trình Trung ương phê duyệt đúng thời gian quy định.
Việc sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang sẽ hình thành 1 tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, với sự kết hợp giữa kinh tế biển, thương mại biên giới, nông nghiệp và du lịch. Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất gắn với lợi thế giao thương biên giới, cảng biển và du lịch.
Với 2 địa phương Bạc Liêu, Cà Mau, Ban Thường vụ 2 tỉnh này cho biết đã tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo xây đề án hợp nhất tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu. Đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp là tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích tự nhiên 7.942,38 km2, quy mô dân số 2.606.672 người.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh việc hợp nhất là để tỉnh Cà Mau mới vươn mình phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn. Mọi việc đổi mới, sắp xếp phải là để xây dựng bộ máy chính quyền gần dân, sát dân, hiểu dân và phụng sự nhân dân.
Còn ngày 11-5 tới, theo kế hoạch, cuộc họp liên quan sáp nhập tỉnh lần 2 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum diễn ra. Trước đó, hôm 15-4, 2 cơ quan trên đã thảo luận về thành lập tổ công tác chung để thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao cho cấp tỉnh thực hiện hình thành tỉnh chung.
Vân Du - Duy Nhân - Hoàng Thanh
Bình luận (0)