Không chỉ ở TP HCM hay Hà Nội, thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh ngân hàng thương mại, ví điện tử tại nhiềj địa phương cũng ngày càng phổ biến.
Ngày 7-2 (tức 28 tháng Chạp), tại nhiều sạp bán quần áo, giày dép, thực phẩm ở chợ huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, chị Nguyễn Ngọc (ngụ quận 5, TP HCM) cho biết chị vừa về quê đón Tết, đi mua sắm ở chợ và rất bất ngờ khi thấy các sạp hàng đều có để bảng quét mã QR hoặc chuyển khoản qua VietQR trên ngân hàng số.
Nhân viên quầy bán quần áo chợ huyện này cho biết thanh toán qua mã QR phổ biến khoảng 1 năm nay ở khu vực này. Cả khách hàng và người bán hàng đều sẵn sàng sử dụng các kênh thanh toán online, bên cạnh trả tiền mặt.
Ngay cả những khu vực vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, tại những điểm bán hàng, cung cấp dịch vụ, nhà hàng, quán ăn…, du khách cũng dễ dàng chuyển tiền, thanh toán bằng mã QR hoặc ngân hàng số.
Số liệu của Payoo về thanh toán QR cho thấy giá trị giao dịch bằng QR tăng gấp 3 lần trong khi giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện nền tảng Payoo, trong khi các giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến với những đơn hàng giá trị cao thì phương thức QR lại được ưa chuộng khi thanh toán đơn hàng giá trị nhỏ. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng qua hệ thống Payoo đã tăng trưởng gấp 5 lần trong năm 2023 so với năm trước đó.
"Sự tăng trưởng của QR code trong năm qua được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố: Nền tảng VietQR cho phép các nhà bán lẻ - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không cần đầu tư hệ thống POS vốn phức tạp và yêu cầu cao về thẩm định. Thay vào đó, họ chỉ cần tự in một QR code để nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng. Các giao dịch QR với mức phí 0 đồng không chỉ được nhà bán lẻ ưa chuộng, khách hàng ủng hộ vì tính tiện lợi, nhanh chóng, chủ động cho người chuyển và bảo mật thông tin thanh toán" - đại diện Payoo nói.
Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết trong năm 2023, hệ thống này tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống. Tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm trước.
Với ví MoMo, nền tảng có hơn 31 triệu người dùng, vừa ra mắt mã QR Nhận tiền đa năng mới với nhiều cải tiến ưu việt hơn từ mã QR Nhận tiền trước đó. Theo đó, với mã QR Nhận tiền đa năng vừa ra mắt của MoMo, người dùng có thể nhận tiền từ đa nguồn, bao gồm từ MoMo, các ứng dụng ngân hàng và các ví điện tử khác, đáp ứng được mọi thói quen chuyển trả của người gửi. Việc cải tiến mã QR Nhận tiền cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo và lấy người dùng làm trung tâm của MoMo để mang đến những trải nghiệm tốt nhất, đồng thời góp phần thúc đẩy xu hướng giao dịch bằng mã QR đang mạnh mẽ tại Việt Nam.
Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024, NAPAS cũng tăng cường công tác giám sát thanh khoản của các tổ chức thành viên, bố trí nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các NH, trung gian thanh toán và doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm lễ, Tết. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp về kỹ thuật, vận hành, sẵn sàng đáp ứng tốc độ tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các chỉ số thanh toán không tiền mặt tăng trưởng khả quan trong năm 2023. Số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng từ 50 - 99%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán. Nhiều sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng đã được số hóa, trong đó nhiều nghiệp vụ đã số hoá 100% góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bình luận (0)