Đây là những trang web vừa xuất hiện sau khi trang haivl.com chính thức bị xử lý và đóng cửa vào cuối tháng 10-2014. Hiện các trang web này hoạt động công khai mà không có bất kỳ thông tin nào liên quan tới giấy phép báo điện tử hay mạng xã hội. Đáng chú ý, chúng có thiết kế khá giống trang haivl.com với nội dung thể hiện nhiều thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục, ngôn từ không phù hợp với văn hóa của người Việt.

Một trang web nhảm đang hoạt động công khai trên mạng internet Việt Nam
Nếu thử truy cập trang vui.us, có thể thấy ngay tiêu đề là “Haivl hài vui lắm trở lại Vui.us” đi kèm khẩu hiệu “Vui.us - Sống ở Mỹ, ầm ĩ ở Việt Nam”. Qua đó có thể thấy các trang web này đang tận dụng tên tuổi của haivl.com để quảng bá cho chính mình.
Mỗi ngày các trang web này có hàng chục, hàng trăm hình ảnh, video khá nhạy cảm được đăng tải nhằm thu hút người xem, có thể gây không ít ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay. Trước sự bùng nổ này, nhiều bậc phụ huynh đã lên tiếng mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc. Chị L.N.H (Q.10, TP HCM) chia sẻ: “Nghe mọi người truyền tai nhau về các trang web này, tôi cũng từng vào xem thử và đã vô cùng ngỡ ngàng trước những thông tin nhảm nhí được đăng tải. Không hiểu tại sao những trang này vẫn có thể hoạt động bình thường như vậy?”.
Hầu hết các trang web trên đều có tên miền và nội dung được thuê đặt tại các máy chủ ở nước ngoài. Điều này vốn là một rào cản lớn trong việc kiểm soát của cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam. Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) băn khoăn: “Hiện nay, việc quản lý nội dung các trang web đang là một vấn đề rất quan trọng. Bởi lẽ ngoài việc cung cấp các thông tin, tiện ích cho người dùng thì vẫn còn một số trang web lợi dụng vào đó nhằm chỉ để thu hút bạn đọc, dễ dàng bỏ qua những hành vi vi phạm, điều cấm liên quan của pháp luật Việt Nam”.
Theo luật sư Thảo, hành vi này có thể bị nghiêm cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, để có biện pháp chế tài đối với các trang web đang đặt tại nước ngoài thì không hề đơn giản. Do vậy, các cơ quan chức năng có thể yêu cầu các nhà mạng như FPT, Viettel, VNPT... ngăn chặn các trang web có nội dung vi phạm này.
“Mặc dù các trang web này cố tình đặt ở nước ngoài để né tránh sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam nhưng căn cứ theo qui định của Luật Viễn thông năm 2009 thì các hành vi sau sẽ bị nghiêm cấm: Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc” - luật sư Thảo giải thích.
Bình luận (0)