Tại sự kiện Tech Awards ngày 10-1, bà Nguyễn Ngọc Lan Hương, Giám đốc ngành hàng điện lạnh và gia dụng NIQ/GfK Việt Nam - công ty nghiên cứu thị trường, cho biết 2024 là năm tăng trưởng vượt bậc khi hàng loạt hãng công nghệ nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới như Aqua, Samsung, Ecovas... giới thiệu sản phẩm có kết nối thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhiều trải nghiệm, giá vừa phải
Theo bà Hương, hiện nay dải gia dụng ứng dụng AI gồm có 7 sản phẩm là tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, TV, máy lọc không khí, soundbar (loa cho TV), máy hút bụi. Tỉ trọng số sản phẩm này đã chiếm đến 43% về số lượng, 53% về giá trị. Trong 11 tháng đầu năm 2024, thị trường gia dụng thông minh có tích hợp AI đã tăng trưởng đến 31% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 43.000 tỉ đồng.
Xét từng dòng sản phẩm, máy lọc không khí có mức độ ứng dụng công nghệ thông minh đến 63%, máy giặt 51%, máy hút bụi là 48%. Riêng mặt hàng TV đã có đến 99% ứng dụng công nghệ. Về giá cả, theo thống kê, giá sản phẩm tích hợp AI chỉ cách biệt 15%-30% so với sản phẩm thông thường nhưng biên độ chênh lệch này đang có khuynh hướng giảm dần. Điều này rất có lợi cho người tiêu dùng (NTD) khi sở hữu thiết bị được tích hợp công nghệ tiên tiến với mức giá vừa phải.
Trong hạng mục Sản phẩm tôi yêu của Tech Awards, Aqua là thương hiệu nhận giải Điều hòa diệt khuẩn thông minh được yêu thích nhất. Ông Đường Quốc Hòa, đại diện Aqua Việt Nam, cho biết máy điều hòa Aqua UV Smart được trang bị công nghệ UVC Pro, có khả năng diệt khuẩn đến 99% và hỗ trợ lọc không khí để bảo vệ sức khỏe người dùng. Đặc biệt hơn, sản phẩm này còn có khả năng tương tác với hệ sinh thái nhà thông minh qua ứng dụng Aqua Smarthome. Theo đó, AI sẽ giúp NTD, thậm chí người lớn tuổi, có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh dễ dàng máy lạnh với mức giá 12,1 triệu đồng/chiếc. "Aqua đang phát triển tính năng điều khiển bằng giọng nói, dự kiến ra mắt trong mùa hè năm nay, hứa hẹn nâng cao trải nghiệm người dùng" - ông Hòa nói.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc phát triển sản phẩm ngành hàng thiết bị lọc nước Toshiba Việt Nam - thương hiệu nhận giải Máy lọc nước xuất sắc 2024, chia sẻ sản phẩm lọc nước của Toshiba không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nước sạch mà còn có khả năng làm đá, tạo nước soda. Toshiba đang theo đuổi ứng dụng kết nối 5G vào IoT để nâng cao tính kết nối của các sản phẩm, tích hợp chip thông minh bên trong thiết bị; đồng thời sử dụng cảm biến và kết hợp với AI để phân tích, xử lý dữ liệu ngay trên thiết bị, giúp tăng cường bảo mật. "Đây là một hướng đi quan trọng trong việc tối ưu hóa sản phẩm công nghệ, bảo đảm tính tiện ích, bảo mật và đáp ứng đúng nhu cầu của NTD" - ông Tùng nói.
Năm 2024, thương hiệu gia dụng đến từ Ý - Comfee - có dòng CFS-10VCB được bình chọn là điều hòa thông minh tiết kiệm điện được yêu thích nhất. Theo ông Phạm Huỳnh Tấn Tài, nhân viên bán hàng của Comfee, thiết bị tích hợp công nghệ AI Cool, cho phép kết nối với ứng dụng SmartHome 3.0 giúp NTD điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt thông qua Google Assistant, nhận cảnh báo để kiểm soát mức tiêu thụ điện.
Theo ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các sản phẩm công nghệ đang hằng ngày thay đổi lối sống người dùng. Sau cuộc cách mạng về máy tính và internet, sự xuất hiện của AI trong thiết bị gia dụng đã thay đổi lớn đến các hoạt động của con người. "Chúng ta có thể điều khiển các hệ thống, thiết bị thông minh bằng giọng nói. Thay vì phải vận hành các thiết bị thì nay, các thiết bị tự vận hành và hợp tác với người dùng" - ông Bùi Thế Duy nói.
Địa phương hóa sản phẩm
Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường Việt Nam của MediaTek, cho biết tuy các thiết bị gia dụng tích hợp AI sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo ông Hùng, phải tạo nên một hệ sinh thái thông minh và liền mạch giữa các thiết bị. Bên cạnh đó là bài toán tiết kiệm năng lượng, tạo ra những giá trị sản phẩm bền vững, nâng cao trải nghiệm. Các thiết bị gia dụng thông minh đều ứng dụng công nghệ IoT, đòi hỏi sự hỗ trợ lâu dài về bảo mật thông tin. "Với bài toán AI, cần tối ưu một cách nhỏ gọn. Đây cũng là thách thức khi vừa phải tích hợp nhiều ứng dụng vừa tích hợp đa dạng công nghệ mới lên đồ gia dụng" - ông Hùng nói.
Ông Lê Thanh Tùng chia sẻ từng thị trường sẽ có nhu cầu sản phẩm khác nhau nên cần "địa phương hóa sản phẩm", kể cả sản phẩm ứng dụng công nghệ mới nhất. Chẳng hạn, tại các thị trường châu Âu, máy rửa chén thường không có thiết kế để rửa các tô lớn, nồi lớn hay đũa. Tại châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nhu cầu này lại rất phổ biến. Ở Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc), người dùng cần các máy lọc nước có khả năng điều chỉnh độ pH khác nhau để rửa mặt, nấu ăn. Vì vậy, việc thiết kế, phát triển sản phẩm cho từng thị trường phải được nghiên cứu phù hợp.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lan Hương, đồ gia dụng tích hợp AI sẽ là xu hướng nhưng vẫn cần thêm thời gian để khách hàng có thể trải nghiệm thực tế và giá cả. Vì vậy, giá cả hợp lý sẽ là yếu tố quyết định tính cạnh tranh để sản phẩm tiếp cận rộng rãi đến NTD.
Cẩn trọng khi dùng đồ gia dụng AI
Theo các chuyên gia công nghệ, NTD cần kiểm tra độ tương thích giữa đồ dùng AI và các thiết bị khác trong nhà; bảo đảm thông tin cá nhân và dữ liệu được bảo mật, giao diện dễ sử dụng. Để tránh nguy cơ lộ thông tin cá nhân, NTD nên chọn thiết bị từ các nhãn hàng uy tín hoặc tham khảo ý kiến của người đã sử dụng sản phẩm.
Bình luận (0)