Dù tiền bữa ăn do phụ huynh trả nhưng cô giáo tập thói quen không được lãng phí ngay từ những bước đầu đời. Thói quen này được duy trì sẽ tạo ra tính cách của một người trong xã hội tương lai. Nó vượt qua sự vun vén, gìn giữ cho cá nhân mà mang ý nghĩa lớn hơn là bảo đảm sự no đủ của xã hội.
Đáng tiếc, bài học đơn giản này không phải lúc nào cũng được thực tập tốt để hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Kinh tế phát triển nhanh chóng, thặng dư vật chất cũng bùng nổ, kể cả thực tế và giả tạo. Bài học về tránh lãng phí dễ dàng bị vùi lấp trong ảo giác thừa mứa.
Nhưng có thật là chúng ta đã đủ giàu có để quên rằng lãng phí có thể kéo chậm quá trình phát triển.
Loạt bài viết trên Báo Người Lao Động và một số phương tiện truyền thông khác đã phần nào phác họa rõ bức tranh lãng phí hiện nay. Lãng phí của công, lãng phí tài sản, tài nguyên quốc gia… đang diễn ra rất phức tạp. Chỉ riêng việc sáp nhập các đơn vị hành chính tại nhiều địa phương đã dôi dư hàng trăm trụ sở. Do bị bỏ hoang nhiều năm, những trụ sở này xuống cấp nghiêm trọng, đổ nát, hư hỏng mà chưa được xử lý. Nhiều công sở của các cơ quan trung ương đóng ở nhiều địa phương nhưng không được sử dụng đúng mục đích, thậm chí để hoang phí, trong khi công trình công cộng hoặc trường học lại rất thiếu…
Đó là những loại lãng phí nhìn thấy được, còn những loại lãng phí khác rất nghiêm trọng nhưng không dễ hình dung: lãng phí về cơ hội phát triển, lãng phí về sử dụng nhân tài. Vấn đề nóng bỏng hiện nay chính là giải ngân đầu tư công rất chậm nên kéo theo các công trình trọng điểm của quốc gia, của địa phương cũng chậm tiến độ theo. Kéo dài thời gian đưa vào phục vụ cũng có nghĩa lãng phí sự thụ hưởng của xã hội, của nền kinh tế.
Bài học về tiết kiệm, chống lãng phí luôn được đặt ra trong từng giai đoạn phát triển, từng gia đình và từng người dân. Tinh thần này đã duy trì được sức sống mạnh mẽ của quốc gia trong quá khứ và nay phải càng được đúc rút để phục vụ cho giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Ông chỉ ra cụ thể những dạng thức của lãng phí đang nổi lên hiện nay: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới; lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt; lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực...
Chống lãng phí hiện nay đã không còn là lời kêu gọi mà là mệnh lệnh cho từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ. Ai né tránh công tác này cần bị gạt sang bên để không cản trở nhịp bước chung của xã hội.
Bình luận (0)