Đây là một phần trong khóa đào tạo "Chuyển đổi số báo chí" cho hơn 20 cán bộ quản lý thông tin, nhà báo Campuchia, do Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia phối hợp tổ chức.
Diễn ra từ ngày 26-8 đến 30-8, khóa đào tạo "Chuyển đổi số báo chí" không chỉ là chương trình đào tạo kỹ thuật mà còn là cầu nối để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực truyền thông.
Trong chuyến tham quan tòa soạn hội tụ tại Báo Người Lao Động, đoàn nhà báo Campuchia đã giao lưu, trao đổi thông tin với lãnh đạo và đội ngũ biên tập viên, phóng viên Báo Người Lao Động.
Một trong những nội dung được tập trung thảo luận là việc triển khai chuyển đổi số để hiểu hơn về quá trình tòa soạn chuyển đổi số đến hôm nay.
Trong buổi chia sẻ, ông Lê Cao Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh chuyển đổi số (CĐS) báo chí là xu hướng tất yếu của hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Các cơ quan báo chí TP HCM nói riêng đã từng bước thực hiện CĐS theo điều kiện của mình và đạt được những kết quả bước đầu.
Riêng Báo Người Lao Động, hoạt động chuyển đổi số đã đạt được những thành công nhất định. Công tác hành chính của bộ phận Tòa soạn gần như số hóa toàn diện, Báo Người Lao Động công bố thu phí nội dung (paywall) và trình làng kênh Podcast trong tháng 7-2022, tổ chức các khóa đào tạo ứng dụng AI cơ bản và chuyên sâu cho đội ngũ, tổng kết và vận dụng vào thực tế trong quý II và quý III năm nay.
Đặc biệt, vào ngày 28-7-2022, Báo Người Lao Động công bố thu phí đọc báo tại chuyên mục "Dành cho bạn đọc VIP" trên báo điện tử, đến nay có khoảng 53.000 tài khoản đăng ký.
Đề cập đến những thuận lợi, ông Lê Cao Cường cho rằng tòa soạn đã có quyết tâm cao, đồng lòng, nhận thức đúng, triển khai sớm, có chiến lược phù hợp trong việc chuyển đổi số, cùng với đó là sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, các đơn vị chuyên ngành, đối tác và bạn đọc.
Về mặt khó khăn, ông Cường cho biết ở lĩnh vực báo chí, không có một mô hình chung nhất, nên cơ quan báo chí phải tự tham khảo, tìm tòi, học hỏi để thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi những thách thức như thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ cho các nhóm việc lớn cũng như thiếu đối tác công nghệ đủ năng lực, thấu hiểu để hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.
Cũng tại buổi trao đổi, ông Sambo Vannarith, Phó Quốc vụ khanh Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia và là trưởng đoàn, cũng cho rằng chuyển đổi số báo chí là tất yếu nên các bên cần hợp tác và học hỏi lẫn nhau thông qua việc trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm.
Ông cho rằng điều này nhằm tăng cường khả năng thích ứng với môi trường chuyển đổi số ngày càng phát triển nhanh chóng, đồng thời nâng cao khả năng sản xuất các tác phẩm báo chí chất lượng cao, hấp dẫn, thu hút độc giả.
Các cán bộ quản lý thông tin, nhà báo Campuchia cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chuyển đổi số báo chí với các lãnh đạo, phóng viên và biên tập viên của Báo Người Lao Động.
Vào tháng 12 năm ngoái, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc năm 2023.
Theo công bố của Cục Báo chí, Báo Người Lao Động lọt vào tốp 10 cơ quan báo chí có mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí ở mức xuất sắc. Bên cạnh đó, Báo Người Lao Động cũng xếp thứ nhất trong tốp 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối báo chí địa phương về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
Một số hình ảnh trong chuyến tham quan trụ sở Báo Người Lao Động của đoàn nhà báo Campuchia sáng 29-8. Ảnh: Hoàng Triều
Hôm 26-8, tại TP HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo "Chuyển đổi số báo chí" cho các cán bộ quản lý thông tin, nhà báo đến từ Vương quốc Campuchia. Đây là lần thứ 6 kể từ năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các nhà báo của Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia.
Qua khóa học này, các nhà báo Campuchia sẽ có cơ hội làm quen với những xu hướng mới nhất của báo chí thế giới, đồng thời giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí ở quốc gia mình.
Khóa đào tạo diễn ra trong 5 ngày, tập trung vào những nội dung chính: Quản lý nhà nước về báo chí, bảo vệ quyền báo chí trong môi trường số, quản trị tòa soạn số; quản trị sản xuất trên môi trường số, kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí số.
Bình luận (0)