Những ngày đầu tháng 12-2023 (cuối tháng 10 âm lịch), nhiều doanh nghiệp (DN) sốt ruột vì hàng hóa Tết tràn ngập thị trường nhưng sức mua chưa có nhiều chuyển biến.
Thích ứng với xu hướng mới
Với ngành hàng trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cho biết công ty phối hợp các DN phân phối bán lẻ, các đại lý phân phối liên tục giảm giá trứng lên đến 10%-15% nhưng doanh số vẫn không tăng. "Vĩnh Thành Đạt tham gia bình ổn thị trường mặt hàng trứng gia cầm, mọi năm thường chuẩn bị lượng hàng nhiều hơn chỉ tiêu TP HCM giao nhưng năm nay chúng tôi chỉ chuẩn bị vừa đủ theo kế hoạch của thành phố" - ông Thiện bộc bạch.
Để cải thiện tình hình, Vĩnh Thành Đạt tăng cường các sản phẩm mới như trứng chế biến, trứng ăn liền. Ngoài ra, trứng gà hồng dùng cho món phở, ốp la vừa được giới thiệu gần 1 tháng nay và được thị trường đón nhận khá tốt.
Các DN sản xuất hàng thực phẩm, tiêu dùng dự đoán các mặt hàng thiết yếu sẽ được ưu tiên mua sắm trong mùa Tết này. Xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở phân khúc tầm trung hoặc nhiều khuyến mãi hơn sẽ chiếm ưu thế so với xu hướng cao cấp.
Vì vậy, những thương hiệu uy tín, lâu năm trên thị trường với mức giá ổn định, mang đến nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn sẽ chiếm ưu thế trong thị trường Tết 2024.
Mặt khác, với sự bùng nổ của social marketing (tiếp thị mạng xã hội), sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử, xu hướng công nghệ và quá trình chuyển đổi số cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sau đại dịch, mua sắm trực tuyến sẽ lên ngôi trong mùa Tết 2024. Vì vậy, các DN đều đang nỗ lực thích ứng với xu thế này.
Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An - cho hay mùa Tết 2024, Tường An đã chủ động cải tiến sản phẩm, đồng thời tận dụng hệ thống 450.000 điểm bán trên toàn quốc, kết hợp kênh trực tiếp và thương mại điện tử, kênh mua sắm giải trí (E2E) để gia tăng doanh thu, độ phủ và đa dạng hóa trải nghiệm mua sắm của người dùng.
Cần tránh "bẫy giảm giá"
Ông Lê Hoàng Long, quản lý Bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ Nielsen Việt Nam, dự báo từ nay đến cuối năm DN vẫn sẽ chật vật do khó khăn của kinh tế. "Thị trường Tết nhiều khả năng sẽ trầm lắng hơn mọi năm.
Tuy nhiên, phân khúc hàng cao cấp ít ảnh hưởng, còn phân khúc hàng phổ thông bị thu hẹp do khách hàng chuyển xuống phân khúc bình dân hơn. Phần lớn người tiêu dùng chỉ giữ chi tiêu cho sữa, thực phẩm trong nhà bếp; giảm bánh, snack, nước uống, bia rượu... và hạn chế ăn uống, giải trí bên ngoài" - ông Long thông tin.
Trả lời câu hỏi DN cần làm gì để tránh nguy cơ ế hàng cuối năm, đại diện Nielsen Việt Nam cho rằng tùy đặc trưng sản phẩm, thương hiệu và mô hình kinh doanh mà DN có chương trình kích cầu riêng. Giải pháp phổ biến của các DN phân khúc phổ thông là áp dụng giảm giá, khuyến mãi để tăng sức mua.
"Hiện nay, các DN đã thực tế hơn, họ có nhiều cách để cắt giảm chi phí marketing, xây dựng thương hiệu, tập trung vào các chương trình giảm giá thực chất, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng ưu đãi, giảm giá sẽ dẫn đến cuộc chiến giảm phát, người tiêu dùng chờ hạ giá mới chịu mua. Để tránh rơi vào "bẫy giảm giá", DN có thể linh hoạt kích cầu bằng cách tăng giá trị cộng thêm cho khách hàng" - ông Long nêu ý kiến.
Thực tế, nhiều người mua sắm trên kênh thương mại điện tử cho biết họ quan tâm nhiều nhất đến yếu tố tiện lợi, sự phong phú của mặt hàng, sau đó mới đến yếu tố khuyến mãi. Trong livestream bán hàng, bên cạnh các "deal sốc" thì những yếu tố như có thể quan sát sản phẩm, tương tác với người bán và có giá trị giải trí cao chính là lợi thế để khách "chốt đơn". Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tìm được những giá trị cộng thêm cho khách hàng, DN có thể vượt ra khỏi "bẫy giảm giá".
Ở kênh bán lẻ hiện đại, hầu hết DN như Saigon Co.op, MM Mega Market, Emart, Central Retail, Aeon... đang tập trung cho nhóm sản phẩm hàng nhãn riêng, hàng nhập khẩu độc quyền phân khúc giá phổ thông và giá thấp để hút người tiêu dùng. Cùng với đó là các chính sách trợ giá, khóa giá, giữ giá, khuyến mãi các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng dịp cuối năm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết ngoài nhóm khách hàng mục tiêu, Saigon Co.op dành nhiều ưu tiên cho nhóm khách hàng gen Y và gen Z bằng các phiên livestream, những video ngắn trên nền tảng số.
Song song đó, Saigon Co.op còn dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp: ưu tiên mua hàng giảm giá; tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các KCN - KCX, vùng sâu, vùng xa...
Thêm nhiều siêu thị mới
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, trong một năm kinh tế nhiều thách thức, kênh bán lẻ hiện đại hiện chiếm 16% thị phần bán lẻ và đạt mức tăng trưởng khá 8%.
Trước cơ hội thị trường, một số DN bán lẻ đang khẩn trương phát triển mạng lưới, khai trương những điểm bán. Trong đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, Saigon Co.op sẽ đưa vào hoạt động 2 Co.opmart mới tại Tiền Giang, An Giang và 10 cửa hàng Co.op Food ở quận 9, Tân Phú, Gò Vấp (TP HCM), Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương.
Hệ thống Emart của Tập đoàn Thaco cũng chính thức khai trương đại siêu thị thứ 3 tại TP HCM vào ngày 7-12.
Đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, các đại siêu thị, trung tâm thương mại cũ và mới đều thiết kế lại không gian cho các nhãn hàng, chú trọng vào mảng ẩm thực, nhà hàng, ăn uống, khu vui chơi trẻ em, trang phục thể thao... để thu hút khách hàng.
Bình luận (0)