Cụ thể, không ít DN nêu trong khoản 1 điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ có sự chồng chéo, gây khó cho DN trong việc xác định bên nào là bên mở tờ khai. Tại hội nghị, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết sẽ lấy ý kiến bổ sung sửa đổi vấn đề này tại nghị định mới.
Công ty CP Thực phẩm Cát Hải (TP HCM) thắc mắc về việc DN bị kiểm tra chuyên ngành mặt hàng thủy sản nhập khẩu tại chỗ nhưng Cục Thú y cho biết chưa được hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, đề nghị ngành hải quan có ý kiến để DN kinh doanh hiệu quả hơn.
Một công ty tại Đồng Nai cho biết sau đại dịch COVID-19, DN gặp nhiều khó khăn, đơn hàng, doanh thu sụt giảm hơn 30%. Dù có chính sách hỗ trợ từ ngành thuế, hải quan nhưng vừa qua việc hải quan điện tử quá tải đã gây khó khăn rất lớn cho DN trong khai báo hải quan. DN này đề nghị Tổng cục Hải quan sớm khắc phục để tránh phiền hà, thiệt hại cho DN.
Về nội dung này, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thừa nhận sự cố hải quan điện tử vào tháng 11-2023 đã gây khó khăn cho nhiều DN. Tổng cục đã rà soát và tìm ra nguyên nhân là do lượng hàng qua chuyển phát nhanh quá tải. Tổng cục đã đưa ra phương án xử lý và hướng dẫn DN. Đồng thời, nghiên cứu hệ thống dự phòng để sớm khắc phục sự cố nói trên.
Một DN chuyên về hóa chất ở tỉnh Đồng Nai cũng cho biết kinh tế khó khăn, DN phải tiết kiệm đủ thứ nhưng vẫn phải tốn nhiều chi phí cho soi chiếu hải quan. Vì vậy, DN mong ngành hải quan giảm bớt tỉ lệ soi chiếu hoặc xem xét tỉ lệ soi chiếu hợp lý hơn. Bởi nếu theo hệ thống của Tổng cục Hải quan, DN xuất nhập khẩu phải soi chiếu hàng hóa 2 lần/tháng rất tốn kém.
Bình luận (0)