Trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch luôn được coi là công cụ định hình không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất để từ đó Nhà nước chủ động dẫn dắt sự phát triển, thúc đẩy đầu tư.
Chú trọng chủ động phối hợp
Xác định rõ vị trí, vai trò của quy hoạch và để khắc phục những tồn tại trong phát triển của vùng Đông Nam Bộ, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập theo cách tiếp cận tổng hợp, có sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức và hành động của các ngành, các địa phương theo hướng chú trọng chủ động phối hợp trong quá trình xây dựng quy hoạch và tăng cường liên kết phát triển trên cơ sở thực hiện thống nhất chu trình chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Nội dung quy hoạch tập trung vào sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động phát triển, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tạo chuyển biến có tính đột phá
Trước hết là sự đột phá về tư duy phát triển. Theo đó, vùng Đông Nam Bộ phải trở thành vùng đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác.
Thứ hai, đột phá về tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, bao gồm các liên kết đa chiều về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội, chuỗi liên kết kinh tế ngành, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên... để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.
Thứ ba, đột phá về huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Bao gồm, các tuyến cao tốc hướng tâm, khép kín Vành đai 3, Vành đai 4; đẩy nhanh triển khai các tuyến đường sắt quan trọng, nhất là đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng biển quốc tế; có cơ chế đặc thù để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP HCM.
Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải tạo thành cụm cảng trung chuyển quốc tế lớn có sức cạnh tranh cao trong khu vực châu Á.
Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; tập trung đầu tư dự án chống ngập cho TP HCM. Phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số…
Thứ tư, đột phá về tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.
Thứ năm, đột phá về cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trọng tâm là tạo đột phá trong phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới; trung tâm tài chính quốc tế; dịch vụ logistics tại các cảng biển, cảng hàng không trung chuyển quốc tế.
Tập trung ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo vào việc phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; hình thành các khu công nghệ cao, công viên phần mềm, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và trung tâm chuyển đổi số vùng.
Hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao
Các hành lang kinh tế, các vùng động lực được hoạch định rõ ràng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa bàn thuận lợi.
Việc tổ chức hệ thống đô thị gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn; bảo đảm gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển.
Quản lý, khai thác hiệu quả không gian ngầm; từng bước liên kết các đô thị lớn qua không gian ngầm, nhất là tại khu vực Tiểu vùng trung tâm; gắn phát triển hạ tầng ngầm với phát triển các loại hình chức năng thương mại, dịch vụ, công cộng đô thị.
Bảo đảm kết nối
6 hành lang kinh tế: Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến TP HCM); Mộc Bài - TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu; Vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM; Tây Nguyên - Đông Nam Bộ; Hành lang kinh tế theo Quốc lộ 13 từ TP HCM- Bình Dương - Bình Phước; Tây Ninh - Bình Dương.
Các hành lang kinh tế này bảo đảm kết nối với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, phát triển khu vực dọc theo sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua TP HCM và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở thành hành lang xanh - sinh thái phục vụ kết nối không gian đô thị và phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch liên tỉnh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan.
Bình luận (0)