Tại tỉnh Tây Ninh sáng 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ. Tham dự sự kiện này còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng; các thành viên Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng.
Đi đầu nhiều lĩnh vực
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, công bố Quyết định 370 ngày 4-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, đã trao quyết định quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương trong vùng.
Theo mục tiêu quy hoạch, đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, công nghiệp phát triển, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số. Cùng với đó là phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8% - 9%/năm, GRDP bình quân đầu người tương đương 14.500 - 16.000 USD, chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,8.
Đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển với tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo… Khu vực này sẽ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước với GRDP giai đoạn 2031 - 2050 đạt 7,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2050 khoảng 54.000 USD.
Thúc đẩy dự án liên kết vùng
Liên quan nội dung liên kết vùng, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin dự án đường Vành đai 4 đi qua 5 địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An đang trong quá trình xin ý kiến cấp thẩm quyền.
Liên quan đường Vành đai 4, TP HCM cùng các địa phương, bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp và báo cáo, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ KH-ĐT về việc triển khai dự án. Ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương mong muốn trung ương hỗ trợ 50% vốn, TP HCM tự cân đối, còn Long An đề nghị hỗ trợ 75% vốn.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để triển khai dự án này. TP HCM mong muốn được trung ương chấp thuận chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, trình hồ sơ lên Quốc hội.
Với dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM đã báo cáo với Bộ KH-ĐT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công ngày 30-4-2025. Về dự án cảng ở huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định đây sẽ là tổ hợp cảng trung chuyển quốc tế. TP HCM và các bộ, ngành đang phối hợp nghiên cứu để triển khai.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, địa phương này đang phối hợp với TP HCM và các tỉnh khác chủ động thực hiện dự án đường Vành đai 4. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay nội dung quy hoạch tỉnh đã hoàn tất và trình Thủ tướng phê duyệt năm 2023. Trong đó, đề án phát triển Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc trung ương được tỉnh tổ chức thực hiện từ năm 2021 và đang ngày càng hoàn thiện.
5 từ khóa quan trọng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất hài lòng khi việc triển khai Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều chuyển biến tích cực.
"Thủ tướng biểu dương sự quyết tâm của lãnh đạo các tỉnh, thành nhưng nhắc nhở không được chủ quan vì còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thủ tướng khái quát việc quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng về phát triển vùng. Người đứng đầu Chính phủ đưa ra 5 từ khóa quan trọng để lãnh đạo các tỉnh, thành thực hiện, gồm: Tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ và hiệu quả.
Theo Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ phải bám sát tình hình thực tiễn vùng và thế giới để đưa ra quan điểm phát triển bền vững. Đồng thời, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, đặt con người là chủ thể phát triển xã hội.
Thủ tướng đề nghị hội đồng điều phối vùng và lãnh đạo các tỉnh, thành liên quan xây dựng bộ máy điều phối vùng Đông Nam Bộ tốt nhất. Người đứng đầu bộ, ngành chủ động xây dựng cơ chế, chính sách cho vùng, tránh bộ này đùn đẩy bộ kia, không ai chịu trách nhiệm. Bộ KH-ĐT được giao xây dựng kế hoạch, ưu tiên đầu tư những dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất… Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành tập trung thực hiện nhiều dự án mang tính cấp bách như trung tâm thương mại, khu trung tâm tài chính quốc tế, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài...
Đồng tình với những đề xuất của Chủ tịch UBND TP HCM về cơ chế triển khai thực hiện đường Vành đai 4 và một số dự án khác, Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo các địa phương và sự đồng lòng của người dân vùng Đông Nam Bộ để các dự án được triển khai theo kế hoạch.
Công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh
Chiều 5-5, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc thực hiện quy hoạch phải bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình thực tế của địa phương và thế giới. Ngoài ra, cần bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp cũng như có giải pháp huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển xã hội.
Đánh giá Tây Ninh hội tụ đầy đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Thủ tướng cho rằng để phát huy lợi thế ấy, trong nhiều nhiệm vụ thì địa phương cần tăng cường kết nối vùng kinh tế, đa dạng hóa thị trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông song song với y tế, giáo dục, văn hóa…
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ các bộ trưởng căn cứ chức năng, quyền hạn để hỗ trợ tỉnh Tây Ninh.
Bình luận (0)