xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi đời nhờ nông nghiệp thông minh

Bài và ảnh: Quang Tám

Nhiều nông dân đã giàu lên, môi trường bớt ô nhiễm nhờ mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và ứng dụng công nghệ cao

Vùng đất xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày trước là đồi pha cát, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã thấm. Người dân ở đây muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó. Vậy mà giờ đây, nhiều nông dân đã có đời sống khấm khá nhờ những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Từ "kỳ tích" 4F

Gia đình ông Nguyễn Văn Lịch, ngụ xã Phong Thu, đã tham gia liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi với Tập đoàn Quế Lâm hơn 6 năm qua. Đến nay, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại theo công nghệ mới của công ty, mở rộng quy mô lên hàng chục con heo nái, 300 con heo thịt/năm.

Nuôi heo hữu cơ tại tổ hợp 4F của Tập đoàn Quế Lâm

Nuôi heo hữu cơ tại tổ hợp 4F của Tập đoàn Quế Lâm

Từ chăn nuôi heo hữu cơ, gia đình ông Lịch đã có chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ nguồn phân hữu cơ dồi dào để bón cho 3 ha bưởi thanh trà và da xanh. Nhờ đó, sản lượng thanh trà của ông tăng, chất lượng luôn bảo đảm. Ông đã thành lập HTX cây ăn quả hữu cơ bưởi thanh trà, liên kết với hàng chục hộ dân tham gia.

"Tham gia mô hình này, gia đình chúng tôi có thu nhập khoảng 400 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi heo, trồng bưởi thanh trà bằng phương pháp canh tác hữu cơ. Trước đây, người chăn nuôi lo chuyện giá cả biến động nhưng nay đã có công ty bao tiêu sản phẩm" - ông Lịch tin tưởng.

Cách đây hơn 3 năm, Tập đoàn Quế Lâm đã hình thành tổ hợp chăn nuôi heo hữu cơ, an toàn sinh học 4F (farm - food - feed - fertilizer) đầu tiên rộng 15 ha, ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu Việt Nam tại xã Phong Thu với kinh phí đầu tư hơn 700 tỉ đồng. 4F ra đời với mục đích cung cấp heo nái hậu bị, heo giống, tinh heo cho các hộ dân trên địa bàn; điều phối sản phẩm thịt heo trên thị trường để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Tổ hợp này bao gồm nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, men vi sinh theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất sản xuất 50.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 100.000 tấn/năm; trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học quy mô 8.000 - 10.000 heo thịt và hàng trăm heo nái. Cùng với đó là nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh có công suất thiết kế đạt 100.000 tấn/năm…

Vào thời điểm khánh thành tổ hợp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT (lúc đó là ông Nguyễn Xuân Cường) gọi 4F là "kỳ tích", mở ra cục diện mới của ngành nông nghiệp.

Nhân rộng hiệu quả

Những năm qua, nhiều nông dân đã được Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền Trung trực thuộc Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam hỗ trợ tích cực nên đã biết áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Họ được chi hội vận động đẩy mạnh thi đua sản xuất - kinh doanh, làm giàu chính đáng cho mình và xã hội.

Nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, gắn chăn nuôi với trồng trọt, phát triển kinh tế tuần hoàn. Một số hội viên là người dân tộc thiểu số ở 2 huyện Nam Đông, A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ gắn với trồng chuối, trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2023, Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền Trung đã xây dựng được 35 mô hình nông nghiệp hữu cơ, gắn trồng trọt với chăn nuôi, phát triển kinh tế tuần hoàn gồm 7 HTX và 28 hộ nông dân. Chi hội còn vận động nông dân phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, chăn nuôi bằng công nghệ men vi sinh.

Nhiều gia đình đã thay đổi thói quen xử lý rác thải bằng việc phân loại, sử dụng men vi sinh hữu cơ Quế Lâm ủ rác. Họ dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nên tạo ra nguồn phân bón hữu cơ an toàn, giảm thải ô nhiễm, độc hại cho môi trường sống và ruộng đồng.

Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết 3 năm qua, 23 cơ sở đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được tỉnh hỗ trợ hơn 7,3 tỉ đồng, cấp huyện khoảng 14 tỉ đồng. "Các cơ sở sau khi được hỗ trợ đã tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất và đạt kết quả cao về năng suất, giá trị nông sản. Điều đó thể hiện sự hiệu quả của chính sách trong việc khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" - ông nhìn nhận.

Bà Bùi Thanh Hằng, chuyên gia Trung tâm Ươm tạo - Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN), Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN - Bộ KH-CN, khẳng định xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp sẽ bao gồm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn.

"Cần phát triển nhân tài công nghệ và nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao. Ngoài ra, cần xây dựng mạng lưới hợp tác để kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần tận dụng nguồn lực, nguồn vốn trong nước và quốc tế để phát triển nông nghiệp" - bà Hằng góp ý. 

PGS-TS Đặng Văn Đông, Viện phó Viện Nghiên cứu rau quả, cho rằng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, song nông nghiệp thông minh phải là trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. "Đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh. Chúng ta cần có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả với yêu cầu phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp thông minh nói riêng" - ông nhấn mạnh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo