Dọc con đường bê-tông vào làng Ia Sik, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, những nhà màn trồng dưa lưới được dựng lên kín các khu vườn. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay, 80% hộ dân của làng Ia Sik đã tham gia trồng cây dưa lưới. Dưa lưới được trồng theo hướng canh tác tạo sản phẩm chất lượng cao đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
Trả hết nợ, mua đất xây nhà
Những năm trước, đời sống người dân làng Ia Sik còn nhiều khó khăn. Thu nhập của họ chủ yếu phụ thuộc cây cà phê, chanh dây nhưng giá cả bấp bênh. Một số hộ phải bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh. Thế nhưng, cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi từ khi cây dưa lưới được đưa đến trồng.
Ông Phan Văn Nguyên, một trong những người đầu tiên đưa cây dưa lưới về trồng ở làng Ia Sik, nhớ lại: "Những năm trước, do làm ăn khó khăn, tôi phải đi làm thuê ở một tỉnh miền Nam. Tôi được một người chuyên trồng dưa lưới thuê làm việc".
Thấy dưa lưới là loài cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyên vừa làm việc vừa học hỏi kinh nghiệm. "Sau khoảng 2 năm, khi đã nắm bắt được hầu hết kỹ thuật trồng dưa lưới, tôi trở về làng Ia Sik xây dựng nhà màn, bắt tay trồng những cây đầu tiên" - ông kể.
Theo ông Nguyên, dưa lưới chỉ trồng chừng 60-70 ngày là đã có thể thu hoạch. Ban đầu, mỗi năm có thể trồng đến 5 vụ dưa nhưng ông nhận thấy như vậy rất cập rập nên giảm còn 4 vụ.
"Với năng suất bình quân 4 tấn/sào/vụ, giá bán 20-35 triệu đồng/tấn, mỗi vụ dưa sẽ cho thu nhập từ 80 đến 140 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, so với các loại cây trồng khác, dưa lưới vẫn cho thu nhập tốt hơn hẳn" - ông Nguyên phấn khởi.
Sau khi thấy được hiệu quả kinh tế cao của loài cây này, từ một vài gia đình ban đầu, nay đã có đến 80% hộ dân làng Ia Sik chuyển từ trồng cà phê, chanh dây… sang dưa lưới.
Trước hiệu quả của mô hình trồng dưa lưới ở làng Ia Sik, năm 2021, huyện Chư Pah đã thành lập Tổ hội Nghề nghiệp trồng dưa lưới xã Ia Nhin. Tham gia tổ hội, các thành viên được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật làm nhà màn, trồng dưa và liên kết ổn định đầu ra cho sản phẩm. Ông Phan Văn Nguyên được bầu làm tổ trưởng của 40 hội viên.
"Trước đây, nhiều người trồng các loài cây khác bị thua lỗ. Nhờ trồng dưa lưới mà đến nay, nhiều người đã trả hết nợ; thậm chí còn mua được đất, xây được nhà to đẹp nữa" - ông Nguyên tự hào.
Giá cả, đầu ra ổn định
Theo các hộ dân trồng dưa lưới, tỉnh Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với loại cây này. Trong thời gian tới, các hộ dân tiếp tục phát triển dưa lưới theo hướng nông nghiệp sạch để thu hút khách hàng hơn nữa.
Ông Trần Đình Tư, ngụ làng Ia Sik, cho biết trước đây gia đình ông trồng chanh dây. Khi chanh dây rớt giá, ông chuyển sang trồng dưa lưới. Thấy hiệu quả, ông đã làm nhà màn 1.000 m2 để trồng. Do đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách làm nhà màn nên vườn dưa của ông phát triển rất tốt.
Theo ông Tư, do trồng trong nhà màn nên không lo thời tiết xấu hay côn trùng tấn công dưa lưới. Từ đó, việc sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học cũng rất ít. Khi cây dưa lưới được canh tác theo hướng hữu cơ sẽ cho quả sạch. Tất nhiên, từ khâu chọn giống, canh tác đến thu hoạch sản phẩm phải theo quy trình nghiêm ngặt và được kiểm soát chặt chẽ.
Cũng là người trồng dưa lưới ở làng Ia Sik, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ để chăm bón. Các loại phân này được hòa vào nguồn nước và tưới tự động, giúp cây dưa lưới hấp thu nhanh, sinh trưởng tốt.
Theo Tổ trưởng Tổ hội Nghề nghiệp trồng dưa lưới xã Ia Nhin, dưa lưới của người dân trong vùng đang cho năng suất cao, giá cả và đầu ra ổn định. "Có được thành quả này là do người trồng chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, gần như nói không với thuốc trừ sâu và phân bón hóa học" - ông Phan Văn Nguyên khẳng định.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pah, cho biết việc trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả, thu nhập tốt cho người dân xã Ia Nhin.
Từ mô hình này, UBND huyện Chư Pah đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đẩy mạnh sản xuất sản phẩm theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)