Trong dự luật có một số đề xuất mới nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, như là: đánh thuế 20% trên tiền lãi chuyển nhượng nhà đất; các bậc thuế, mức giảm trừ gia cảnh…
Đánh thuế TNCN 20% tiền lãi chuyển nhượng nhà đất là dự kiến khá mới, thay vì quy định hiện nay tính thuế TNCN 2% đối với bên chuyển nhượng dựa trên giá bán được ghi trong hợp đồng công chứng (bên nhận chuyển nhượng chịu lệ phí trước bạ). Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, mục đích đánh thuế 20% là để điều tiết hoạt động đầu cơ, cứ mỗi lần chuyển nhượng thì áp 20% trên số tiền chênh lệch giữa giá bán và giá mua gần nhất trước đó, nên phương pháp tính thuế sẽ chính xác hơn.
Nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy. Bởi vì, trước hết, làm thế nào để kiểm soát được giá mua bán thực chất ghi trên hợp đồng công chứng, trong khi bên mua và bên bán có quyền thỏa thuận mức ghi trong hợp đồng thấp hơn thực tế nhằm đóng thuế TNCN và lệ phí trước bạ ít đi? Gần đây, khi bị ngành thuế "soi kỹ", tình hình khai man - có sự tiếp tay của văn phòng công chứng - có giảm, song chưa đáng kể. Vẫn bế tắc giải pháp ngăn chặn từ gốc vấn đề này!
Một câu hỏi lớn nữa được đặt ra là đề xuất của cơ quan soạn thảo có mục đích chống đầu cơ, hạ nhiệt giá nhà đất, để người có nhu cầu thật sự về chỗ ở có cơ hội được tiếp cận bất động sản với chi phí hợp lý nhưng nguy cơ chủ đầu tư/ bên bán cộng gộp thuế TNCN vào giá thành là nhãn tiền. Làm như vậy, giá bất động sản sẽ tiếp tục neo cao, khách hàng đầu cuối là người chịu thiệt nhiều nhất, từ đó gây nguy cơ "bong bóng" bất động sản, phản ánh sai lệch bản chất thị trường, ảnh hưởng xấu đến quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước. Nếu không tính từ đầu phương án ngăn ngừa tình huống này thì chính sách thuế sẽ chệch xa mục tiêu.
Còn về các bậc thuế, dự thảo đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 2 được cho là hợp lý hơn: rút gọn số bậc thuế từ 7 còn 5; đồng thời điều chỉnh thuế suất linh hoạt hơn: thu nhập đến 10 triệu đồng chịu thuế 5%; từ 10-30 triệu đồng chịu 15%; từ 30-60 triệu đồng chịu 25%; từ 60-100 triệu đồng chịu 30% và trên 100 triệu đồng chịu 35%. Dẫu vậy, có thể thấy tỉ lệ tăng của các ngưỡng chịu thuế chưa tương ứng với tỉ lệ tăng mức giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ trong dự thảo tăng từ 11 triệu lên 15,5 triệu đồng/người/tháng, tương ứng 40%, trong khi ngưỡng thu nhập của bậc thuế cao nhất chỉ tăng 25%. Đáng lý ra phải tăng tương ứng 40%, tức bậc cao nhất phải là 120 triệu đồng!
Thuế TNCN ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, phải hợp lý và công bằng thì mới khuyến khích người dân hăng say lao động, càng có thu nhập cao càng đóng nhiều hơn, có lợi cho bản thân lẫn cho Nhà nước. Ngoài ra, cũng nên điều chỉnh thuế suất theo chỉ số tăng giá tiêu dùng hằng năm, phù hợp với thu nhập và mức chi thực tế của người dân. Cần biết thêm là từ năm 2020-2024, tổng thu thuế TNCN tăng 72%, trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 30,2%!
Bình luận (0)