Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Sáng 2-12, tại Hà Nội, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) đã chính thức khai mạc. Đại hội vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự đại hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện tổ chức quốc tế và 1.100 đại biểu chính thức.
Chỗ dựa tin cậy của người lao động
Thay mặt Đoàn Chủ tịch phát biểu khai mạc Đại hội XIII, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh đại hội là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của giai cấp công nhân (CN) và tổ chức Công đoàn Việt Nam để quyết định những vấn đề quan trọng của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn.
5 năm qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm; ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết 02 ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động Công đoàn.
Cùng với những chuyển biến lớn về kinh tế - xã hội của đất nước, đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng được nâng lên, tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác vượt mọi khó khăn, thách thức, nhất là thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, phát huy phẩm chất tốt đẹp của giai cấp CN Việt Nam, có nhiều đóng góp trực tiếp, to lớn vào sự phát triển của đất nước.
Nhiệm kỳ qua, với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, các cấp Công đoàn tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của tình hình thực tiễn. Các cấp Công đoàn có những mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, người lao động (NLĐ), cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước; thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.
Trong gần 2 năm qua, một phong trào sâu rộng của đoàn viên, NLĐ chào mừng đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã diễn ra. Chương trình "1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" đã có gần 830.000 CNVC-LĐ tham gia, đóng góp hơn 2 triệu sáng kiến, làm lợi hơn 33.000 tỉ đồng.
"Những thành tích đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của giai cấp CN và tổ chức Công đoàn; khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp CN và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế" - ông Trần Thanh Hải nhìn nhận.
Khẳng định vai trò đại diện
Trình bày tóm tắt báo cáo của Ban Chấp hành khóa XII trình Đại hội XIII, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã nêu bật những kết quả đã đạt được. Với sự năng động, nhạy bén thích ứng của đội ngũ cán bộ Công đoàn, đoàn viên, NLĐ, hoạt động Công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ; có kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể theo hướng thực chất, tập trung vào các vấn đề tiền lương, điều kiện và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ. Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần giảm 55,3% cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013-2018.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, các cấp Công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến"; ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và con NLĐ bị ảnh hưởng, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng với 10 triệu lượt NLĐ được thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với NLĐ và doanh nghiệp.
Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn phát động ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ tham gia. Hơn 2,8 triệu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới đã mang lại giá trị làm lợi hơn 163.000 tỉ đồng; đóng góp vào kết quả chung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Xác định 3 khâu đột phá
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bối cảnh trong nước, quốc tế giai đoạn tới đòi hỏi các cấp Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ và yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đại hội XIII cũng xác định 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ. Theo đó, đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Nơi đâu có NLĐ, nơi đó có tổ chức Công đoàn
Trình bày tham luận tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, đã nêu những kinh nghiệm, giải pháp về đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp NLĐ khu vực phi chính thức vào tổ chức Công đoàn.
Theo đó, TP HCM đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề. LĐLĐ TP HCM luôn nhất quán phương châm "Nơi đâu có NLĐ, nơi đó có tổ chức Công đoàn", vận động thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức. Vào các đợt cao điểm hoạt động như Tết, Tháng CN, Công đoàn hướng dẫn thủ tục cho đoàn viên nghiệp đoàn tham gia BHYT, cấp thẻ BHYT miễn phí...
Nhiệm kỳ 2023-2028, LĐLĐ TP HCM tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: củng cố, tạo điều kiện hỗ trợ tài chính, địa điểm sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng để các nghiệp đoàn hoạt động nền nếp, hiệu quả.
Thông qua Đại hội XIII, LĐLĐ TP HCM mong muốn tổ chức Công đoàn cần linh hoạt hơn trong tổ chức và sử dụng tài chính Công đoàn nhằm tăng cường hiệu quả việc tiếp cận, vận động, tập hợp NLĐ, nhất là khu vực phi chính thức. LĐLĐ TP HCM kiến nghị Đảng, Nhà nước tạo cơ chế, xây dựng chính sách hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, có thể vượt qua những biến cố ngặt nghèo như đại dịch COVID-19.
Bình luận (0)