Sự việc nhiều công ty cung cấp dịch vụ đầu số nội dung 6xxx, 7xxx, 8xxx quảng cáo tra cứu điểm thi THPT 2015 qua tin nhắn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chính thức công bố điểm thi đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lừa đảo qua các dịch vụ đầu số.
Mặc sức tung hoành
Lý giải về cách thức “moi tiền” của các đầu số dịch vụ nội dung này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, cho biết: “Với những dịch vụ này, nhà mạng chỉ cung cấp đầu số tổng đài; còn nội dung, cách thức hoạt động do các công ty dịch vụ nội dung tổ chức. Đây là kẽ hở hết sức nguy hiểm”.
Còn theo một chuyên gia viễn thông tại TP HCM, hiện chỉ cần chưa tới 10 triệu đồng, bất cứ ai cũng có thể thuê được các đầu số từ nhà mạng, công ty viễn thông. Sau khi thuê được đầu số, nếu có mục đích xấu, họ sẽ sử dụng các thiết bị kỹ thuật để phát tán hàng ngàn tin nhắn rác, mở ra các dịch vụ nội dung, chào mời trên mạng, dẫn dụ người tiêu dùng nhắn tin. Khi người dùng nhắn tin vào các đầu số này sẽ bị trừ tiền cước từ 5.000-15.000 đồng. Số tiền này sẽ được nhà mạng chia lại cho công ty dịch vụ nội dung theo tỉ lệ rất cao. Thế nên, nhiều cá nhân, công ty đang lợi dụng và mặc sức khai thác để lừa đảo người tiêu dùng nhằm thu siêu lợi bất chính.
“Lẽ ra các nhà mạng phải có trách nhiệm quản lý những công ty dịch vụ nội dung nhưng từ trước đến nay, việc này bị lờ đi khiến tình trạng đầu số lừa đảo ngày một biến tướng tinh vi và không có dấu hiệu dừng lại” - chuyên gia này nói.
Cần truy cứu trách nhiệm
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, trong số tiền do các công ty dịch vụ lừa đảo, nhà mạng cũng thu lợi từ những khoản đó. Do vậy, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án về những hành vi vi phạm của các công ty này, cũng cần làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc hỗ trợ, giúp sức cho các hành vi lừa đảo thu lợi bất chính. Nếu xác định nhà mạng biết được các hành vi lợi dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu các nhà mạng đã tiếp tay tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm thì cũng cần truy cứu trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, trường hợp cơ quan công an khởi tố các đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc các thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các nhà mạng là các tổ chức nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm nhưng nhà mạng buộc phải hoàn lại số tiền hưởng lợi trái pháp luật từ việc lừa đảo của các đối tượng trên cho khách hàng.
Còn theo một số chuyên gia viễn thông, với quy định hiện hành, chỉ có nhà nước mới có quyền kiểm soát nội dung trên mạng di động, các doanh nghiệp di động chỉ cho thuê đầu số, cung cấp hạ tầng, không có quyền quản lý nội dung. Từ đó dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp dịch vụ nội dung thuê hạ tầng đi lừa đảo, các doanh nghiệp di động không thể kiểm soát họ làm gì trên hạ tầng của mình. Đây là kẽ hở mà các cơ quan quan lý phải cấp thiết “vá” để tránh tình trạng tiếp tục lợi dụng các đầu số dịch vụ để đi lừa đảo.
“Hiện tại, khi có các sự cố hay phản ánh của người sử dụng dịch vụ nội dung từ các đầu số, nhà mạng cũng phải có trách nhiệm, khẩn trương vào cuộc như tạm ngưng cung cấp đầu số, ngăn chặn dịch vụ tin nhắn để bảo vệ lợi ích cho người sử dụng dịch vụ” - ông Võ Đỗ Thắng nói.
Có dấu hiệu tội phạm
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM), việc nhiều đầu số dịch vụ nội dung quảng cáo cung cấp thông tin điểm thi THPT quốc gia 2015 rồi trừ tiền cước trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không cung cấp điểm thi cho bất kỳ dịch vụ nào đã có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điều 139 Bộ Luật Hình sự). Nếu số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ.
Tr.Hoàng
Bình luận (0)