Thông tin trên vừa được nhóm nhà khoa học của Facebook tiết lộ thông qua một bài viết được xuất bản trên “Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học của Hoa Kỳ”. Theo đó Facebook đã bí mật theo dõi 689.003 người dùng trên mạng xã hội của mình về cách phản ứng của họ trước những thông tin được chia sẻ trên Facebook để phục vụ cho một thí nghiệm về tâm lý học có quy mô lớn.
Cuộc thí nghiệm được thực hiện vào tháng 1/2012 và kéo dài trong hơn một tuần. Trong thời gian đó, Facebook đã chủ đích điều chỉnh để cho phép hiển thị những nội dung tích cực hoặc tiêu cực trên trang chủ các tài khoản Facebook để xem phản ứng của họ với những thông tin này. Dĩ nhiên, người dùng không hay biết mình đang là “công cụ thí nghiệm” của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.
Facebook cho biết mục đích của thí nghiệm là để tìm hiểu sự lây lan về cảm xúc trên mạng xã hội cũng như sự ảnh hưởng của những thông tin trên mạng xã hội đến con người.
“Kết quả nghiên cứu cho thấy sự lân lay về cảm xúc của người dùng trên mạng xã hội”, các nhà khoa học của Facebook viết trong bài báo vừa được xuất bản trong "Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ".
“Khi số lượng các nội dung tích cực giảm xuống, người dùng có xu hướng ít chia sẻ những nội dung tích cực và chia sẻ nhiều nội dung tiêu cực hơn. Điều này cũng ngược lại khi những nội dung về tiêu cực có chiều hướng giảm xuống. Những kết quả này chỉ ra rằng những cảm xúc được chia sẻ bởi những người dùng trên Facebook sẽ ảnh hưởng đến những người dùng khác. Đây là bằng chứng thực nghiệm cho thấy sự lây lan về cảm xúc trên mạng xã hội”, các nhà khoa học của Facebook cho biết thêm.
Sau khi kết quả nghiên cứu của Facebook được tiết lộ, một làn sóng phản đối mạnh mẽ nhằm vào mạng xã hội này từ phía người dùng.
Trên thực tế, việc Facebook thực hiện nghiên cứu trên người dùng của mình không hề vi phạm pháp luật, vì trong điều khoản sử dụng của mạng xã hội này có điều khoản cho phép Facebook thực hiện các “hoạt động nội bộ, bao gồm xử lý sự cố, phân tích dữ liệu, kiểm tra, nghiên cứu và cải thiện dịch vụ”.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học của Facebook đã chỉ ra rằng họ đã thực hiện đúng theo điều khoản người dùng của Facebook, khi sử dụng hệ thống máy tính để chọn ra các bài viết có nội dung tích cực và tiêu cực để hiển thị lên trang chủ của người dùng, nghĩa là không có dữ liệu cá nhân hay riêng tư nào của người dùng bị đánh cắp hay vi phạm.
Dù vậy, không ít người cho rằng Facebook cần phải thông báo cho họ về cuộc thí nghiệm và hành động thao túng nội dung trên Facebook. Nhiều người cho rằng Facebook đã vi phạm đạo đức của các nhà nghiên cứu vì tiến hành thí nghiệm trong khi người dùng không được thông báo. Số khác lại so sánh người dùng của Facebook với những... chú chuột bạch trong phòng thí nghiệm.
Facebook cho biết thí nghiệm chỉ nhằm mục đích khoa học đơn thuần, không mang tính lợi nhuận, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng cuộc nghiên cứu này của Facebook chỉ nhằm phục vụ cho mục đích quảng cáo với các nội dung quảng cáo sẽ được hiển thị phù hợp hơn với tâm trạng người dùng.
Bình luận (0)