Có không ít lý do để dùng mạng xã hội, song chủ yếu vẫn là để liên lạc với bạn bè và người thân cũng như tạo dựng các mối quan hệ mới. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra những người trẻ quá gắn bó với Facebook có xu hướng yêu bản thân thái quá và sử dụng mạng xã hội quá nhiều có thể khiến học tập sa sút.
Dùng Facebook quá liều có thể nguy hiểm đến cả sức khỏe và tâm lý. Ảnh minh họa.
Thống kê từ trung tâm nghiên cứu Pew và Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy các trường hợp bắt nạt vô cùng lớn, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của bắt nạt trực tuyến. Đầu năm nay, tổ chức từ thiện ChildLine của Anh ước tính có 4.507 vụ bắt nạt được báo cáo trong giai đoạn 2012 – 2013, tăng gần gấp đôi so với 2.410 vụ năm 2011 – 2012.
Giữa lúc tranh cãi về mạng xã hội bùng nổ, một vài nghiên cứu cho thấy mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý. Các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) theo dõi lượng sử dụng Facebook trong nửa tháng và phát hiện càng dùng nhiều Facebook, các hoạt động trong ngày càng không suôn sẻ và theo thời gian, gây ra sự bất mãn với cuộc sống nói chung.
Trong khi đó, theo một blog về tâm lý Everyday Mindfulness, xuất hiện xu hướng “so sánh sai lệch” giữa bản thân và hình mẫu gây dựng trên Facebook. Thông thường, Facebook chỉ là vài lát cắt về cuộc sống của mỗi người và không thể hiện trọn vẹn chân dung một ai. Tuy nhiên, có những người “vẽ” ra bức tranh hoàn hảo về bản thân trên mạng xã hội này và bắt đầu so sánh giữa thực và ảo, từ đó trở nên thù địch với chính mình.
Còn theo DoSomething.org, tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất Mỹ dành cho thế hệ trẻ, mạng xã hội gây ra một số tác động tâm lý như trầm cảm, cô lập, bất an và FOMO (Fear of Missing Out, sợ bị bỏ quên).
Không ít trường hợp tự kết liễu liên quan đến mạng xã hội. Tallulah Wilson mới 15 tuổi khi cô bé tự tìm đến cái chết vào tháng 10-2012. Nữ diễn viên múa ba lê này từng phải điều trị bệnh trầm cảm và bắt đầu chia sẻ hình ảnh tự hủy hoại bản thân trên Tumblr, một nền tảng tiểu blog nổi tiếng. Không lâu sau khi bị mẹ phát hiện và đóng tài khoản, Wilson đã lao đầu vào đoàn tàu đang chạy tại ga St. Pancras, Luân Đôn, Anh. Năm 2002, Tim Piper tự sát khi ở tuổi 17. Sau khi gặp rắc rối vì chứng tự kỷ, Piper đã tìm kiếm các cách tự tử trên mạng để cuối cùng treo cổ trong phòng ngủ.
Áp lực phải liên tục giữ liên lạc cùng khả năng cung cấp kết nối 24/7 của công nghệ di động đồng nghĩa với thực tế ai cũng có thể mắc chứng “nghiện” mạng xã hội. Phải làm thế nào để chống lại điều này? Giải pháp bắt đầu từ việc học cách sử dụng đúng liều lượng, luôn ghi nhớ sức khỏe thể chất và tâm lý là quan trọng nhất.
Bình luận (0)