Với tiện ích của thiết bị di động thông minh và hạ tầng mạng tốt, người dùng có thể chụp ảnh, quay phim, chia sẻ thông điệp với nhau một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều trường hợp người dùng đưa thông tin lên mạng một cách thiếu ý thức, thậm chí lợi dụng nhằm đả kích người khác. Theo các luật sư và chuyên gia công nghệ, những hành vi này có thể ảnh hưởng đến uy tín người dùng và gây bất an cho xã hội.
Vô tư “ném” thông tin lên mạng
Sự việc một người dùng đưa lên mạng ảnh khoảng hở giữa cầu Phú Mỹ rồi cho rằng cầu sắp sập khiến rất nhiều người hoang mang. Cơ quản quản lý phải vào cuộc và xác nhận khoảng hở trong bức ảnh là bình thường về mặt xây dựng, kỹ thuật. Hay mới đây là việc 2 cô gái tranh cãi về chân dung “tự sướng” của mình, ai “mặt vuông, mặt tròn” rồi hẹn nhau đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để “nói chuyện” đã làm náo loạn cả khu vực trung tâm thành phố. Kết quả là vài người bị tạm giữ, phạt hành chính vì gây rối trật tự công cộng.
Ông H.T.V - một doanh nhân - chia sẻ trên Facebook: “Một lần, trên đường chở con đi học, con tôi ngồi sau ô tô táy máy khiến chân bị kẹt vào giữa ghế xe nên khóc ré. Nóng lòng, tôi phải dừng xe để xử lý nên không đậu sát lề, chưa kịp bật đèn khẩn cấp. Có 2 CSGT đến bắt lỗi dừng xe quá 25 cm so với lề đường. Tôi đang sốt ruột nên cũng hơi “to tiếng”. Nghe giải thích, họ hiểu sự việc nên chỉ nhắc nhở. Nhưng có nhiều người dân gần đó dùng điện thoại ghi hình khiến 2 anh khó chịu. Theo tôi, hành vi dùng điện thoại gặp bất cứ trường hợp nào cũng quay phim mà chưa rõ vụ việc là điều không hay chút nào. Nếu họ tung đoạn phim này lên mạng thì vụ việc có thể bị hiểu sai bản chất”.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Công ty Luật Giải Phóng (TP HCM), cho biết bên cạnh những mặt tích cực thì việc ứng dụng tiện ích công nghệ, dùng mạng xã hội một cách tùy tiện, theo cảm xúc, thiếu kiềm chế cũng phát sinh nhiều hệ lụy. Nhiều cá nhân tự chụp ảnh, quay phim sự kiện xảy ra trong xã hội rồi đăng tải lên mạng như là một trào lưu. Tích cực hay tiêu cực của hành vi này phụ thuộc vào mục đích, cách thể hiện của người thực hiện. Nếu chỉ để thỏa mãn sở thích, niềm vui, câu “like” nhưng gây ảnh hưởng hoặc cố ý hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác thì cần lên án và xử lý nghiêm.
Người dùng tự ý thức
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng người dùng phải tự biết sàng lọc các thông tin trên mạng xã hội, nguồn nào đáng tin cậy, phù hợp. Người dùng tiếp nhận thông tin không ý thức mà vội vàng kết luận, phê phán và phát tán có thể vô tình xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. “Nội dung đăng tải của họ cùng tốc độ lan truyền nhanh có thể gây ra nhiều hệ lụy. Họ có thể vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Những người bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh, clip thì đời sống của bản thân và gia đình bị xáo trộn, thậm chí thiệt hại về tính mạng trước sức ép dữ dội của dư luận” - luật sư Hậu nói.
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn Việt Nam, khuyến cáo: “Người dùng nên phân loại thông tin và chọn chế độ “Public”, “Friend” hay “Close friend” để giới hạn người xem trước khi đưa lên mạng cá nhân. Khi chia sẻ lại hình ảnh, video nên hỏi người đã đăng để không ảnh hưởng đến họ. Hiện nay, rất khó quản lý tình trạng chia sẻ tràn lan hình ảnh và video trên mạng xã hội. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần tuyên truyền về những trường hợp nguy hiểm đã xảy ra để mọi người phòng tránh. Bên cạnh đó, phải bổ sung các hình phạt đối với tội phạm mạng để răn đe và bảo vệ môi trường internet an toàn”.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, người dùng nên tập thói quen cảnh giác trước thông tin độc, giật gân dẫn từ nguồn tin thiếu tin cậy, kiểm chứng thông tin trước khi bình luận hay chia sẻ trên mạng. “Hiện công cụ quản lý thông tin trên mạng xã hội bằng pháp luật khó phát huy tác dụng. Vì vậy, cần chú trọng nghiên cứu đưa ra những chiến lược, chính sách quản lý về mặt xã hội; tuyên truyền, giáo dục người dùng mạng xã hội có định hướng” - luật sư Hưng kiến nghị.
Vẫn chưa mạnh tay
“Người đăng tải nội dung lên mạng sai sự thật, ảnh hưởng đến người khác sẽ bị xử lý. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của tổ chức, cá nhân là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, dù có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm xảy ra trên internet song các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa mạnh tay” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.
Bình luận (0)