Sự việc ảnh khỏa thân của các ngôi sao Hollywood, trong đó có cả nữ diễn viên đoạt giải Oscar Jennifer Lawrence, bị hacker không rõ tên tuổi đăng tải lên các diễn đàn Internet làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ cả nạn nhân lẫn nhà chức trách. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phải vào cuộc điều tra.
Cùng lúc này, các chuyên gia an ninh mạng và lập trình viên cũng lên tiếng chỉ trích Apple nói riêng và bảo mật đám mây nói chung về sự thờ ơ của mình. Hàng ngàn người đổ lên Twitter bày tỏ sự tức giận với nhà sản xuất iPhone, iPad.
Ảnh minh họa
Một số người hiểu biết về bảo mật đã đổ lỗi cho Apple vì quá trình xác thực hai bước rắc rối, tốn nhiều bước và vượt quá kiến thức sử dụng cơ bản của người dùng thông thường. Họ cho rằng Apple nên tập trung hướng dẫn nhiều hơn về tùy chọn này, vì phần lớn mọi người không sử dụng các biện pháp bảo mật vì ngại sự phiền phức.
Matt Johansen, Giám đốc cao cấp Trung tâm Threat Research, hãng bảo mật WhiteHat, lý giải: “Phải mất thời gian dài để chuyển từ 'lựa chọn bảo mật' sang giữ mọi thứ riêng tư hoặc an toàn hơn ở chế độ mặc định. Hầu hết không áp dụng các tùy chọn này và họ cũng không được quảng cáo về chúng. Với các website có xác thực hai bước, bạn phải đào sâu nhiều trình đơn mới tìm được chúng”. Không chỉ iCloud của Apple mà các dịch vụ nền tảng đám mây hoặc Internet khác cũng dễ bị tấn công, Twitter là một ví dụ.
Hôm 3-9, Apple cho biết vụ đánh cắp "ảnh nóng" là kết quả của kỹ thuật tấn công phổ biến trên mạng, không xuất phát từ lỗ hổng trong hệ thống. Dù đã “phủi” trách nhiệm, vụ việc có nguy cơ trở thành một trong các khủng hoảng công tồi tệ nhất của Apple trong nhiều năm trở lại đây. Những lời suy đoán về lỗi trong iCloud tiếp tục lan nhanh trên nhiều trang mạng.
Brandwatch, công ty chuyên phân tích quan điểm trên mạng xã hội, blog và website khác, chỉ ra trước vụ rò rỉ "ảnh nóng", Apple nhận được rất ít ý kiến chê trách trên Twtter, là bằng chứng cho thấy sức mạnh thương hiệu này tại Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày qua, lỗ hổng iCloud được nhắc tới 17.000 lần, trong đó 7.600 lượt nhắc đến Apple. Một số từ ngữ tiêu cực gắn với dịch vụ iCloud gồm “violation” (vi phạm), “disgusting violation” (sự vi phạm kinh tởm), “criminality” (tội ác), “failure” (thất bại), “glitch” (trục trặc) và “disappointment” (đáng thất vọng).
Theo phát ngôn viên Brandwatch, công ty phân biệt giữa các dòng tin trung lập và tiêu cực bằng cách phân tích từ khóa. Trong trường hợp này, số lượng tin tiêu cực cao gấp 3 lần lượng tích cực.
Apple từng giải quyết nhiều khủng hoảng khác trước đây như “thảm họa” bản đồ hay “antennagate”, lỗi dẫn đến tỉ lệ rớt cuộc gọi cao. Tùy thuộc vào cách vụ việc “chìm” thế nào, sự cố lộ ảnh nóng chắc chắn làm tổn hại không nhỏ đến uy tín của Apple.
Sự việc kể trên cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dùng di động khi smartphone ngày càng lưu trữ nhiều thông tin nhạy cảm như giáo dục, y tế, ngân hàng. Dữ liệu này còn được đồng bộ trên tài khoản đám mây.
“Chúng ta cần tiến đến một điểm nơi mà bảo mật sẽ trở thành tiêu chuẩn và Apple cần làm mọi thứ đơn giản hơn trong bước cài đặt”, Branden Spikes, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Spikes Security nhận định.
Tại sự kiện 9-9 sắp tới, Apple được kỳ vọng giới thiệu dịch vụ thanh toán di động cùng với iPhone 6. Chuyên gia an ninh mạng Marc Maiffret tin rằng điện thoại sẽ sớm thay thế ví tiền và lưu trữ thông tin quan trọng như tài khoản thẻ tín dụng, miếng mồi béo bở của hacker.
Apple luôn khuyến khích lập trình viên dùng iCloud, tuy nhiên sự cố mới nhất khiến vài người cảm thấy băn khoăn. “Khi những chuyện thế này xảy ra, bạn tự hỏi liệu có thể tin Apple không”, Ruben Martinez, một nhà phát triển chia sẻ. Anh cho biết đã cân nhắc dùng iCloud cho ứng dụng đang viết song có lẽ hiện tại, anh nên tìm đến các lựa chọn khác.
Bình luận (0)