“Cá Biển Lạc, lúa Đồng Kho”, câu thơ ấy dường như đã đúc kết tiềm năng kinh tế ở vùng đất cách mạng Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) ngày trước và hôm nay. Quả thật vậy, con đường từ trung tâm xã Gia An đến hồ Biển Lạc gập ghềnh khó đi và xa khu dân cư, nhưng chúng tôi đã có cuộc trải nghiệm thật thú vị. Từ xa, hồ Biển Lạc hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
Mặt hồ Biển Lạc lặng yên, thi thoảng có chút gợn sóng, xa xa những chiếc thuyền nhỏ của người dân thả lưới cứ nhấp nhô trên mặt hồ. Nước và trời buổi sáng sớm hòa quyện vào nhau tạo nên khung cảnh hữu tình và nên thơ....
Hồ Biển Lạc (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).
Đứng từ bến thuyền phóng tầm mắt trên mặt hồ Biển Lạc trải rộng ta cứ tưởng như biển cả mênh mông lạc vào chốn rừng già. Phía Đông hồ là ngọn núi Ca Tông cao hơn 500m sừng sững như để che chắn cho “Biển Lạc” luôn lặng gió và trong lành.
Anh Lê Thành, người dân thổ địa xã Gia An không giấu được niềm vui khi gặp chúng tôi, anh cho hay: “Từ lâu người dân gọi “Biển Lạc”, vì hồ nằm giữa cánh rừng nguyên sinh rộng hơn 1.000 ha, vào mùa mưa nước ngập nhiều khu rừng thấp và diện tích hồ tăng lên gấp 3, 4 lần hiện nay. Bao quanh hồ là rừng già bạt ngàn với nhiều loại gỗ, động vật, chim muông quý hiếm như: công, trĩ, cò, hồng hạc…
Đặc biệt, theo anh Lê Thành, cá hồ Biển Lạc nhiều vô kể và dồi dào chủng loại có giá trị kinh tế cao như: Cá thác lác, cá trèn, chép… Vì thế, từ lâu huyện Tánh Linh đã nổi tiếng “cá Biển Lạc”, ngày nay được nhiều người biết đến sản phẩm “chả cá thác lác” nuôi từ hồ Biển Lạc cực kỳ ngon và được tiêu thụ nhiều nơi trong cả nước...
Anh Nguyễn Quốc, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương Gia An, anh mưu sinh bằng nghề thả lưới trên hồ, nhưng cuộc sống gia đình không ổn định nên anh Quốc nghĩ đến chuyện nuôi cá thát lát trên hồ.
Anh Quốc chia sẻ: “Ban đầu, tôi thu những con thác lác ngoài tự nhiên về thả nuôi trong ao để vỗ béo, nên kích cỡ đủ loại và khi cần lượng lớn, không đáp ứng được. Sau đó, tôi kết hợp với cán bộ khuyến nông thử nghiệm mô hình nuôi cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp. Mô hình nuôi cá thác lác theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để tạo thương hiệu “chả cá thác lác” vùng hồ Biển Lạc...".
Việc nuôi cá thác lác của anh Quốc từng bước phát triển theo hướng tích cực đã hạn chế tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Trong quá trình nuôi anh không sử dụng các loại hóa chất cấm, không sử dụng kháng sinh mà chỉ sử dụng các loại hóa chất an toàn cho cá nuôi nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, tạo được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng….
Sau mô hình nuôi cá thác lác của anh Quốc nhiều nông dân khác ở Gia An cũng làm theo.
Nuôi cá lồng trên hồ Biển Lạc, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Hàng ngày cứ vào buổi sáng sớm người dân sống gần hồ lại chèo thuyền thả lưới, câu cá để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khung cảnh thuyền, người, nước phẳng lặng trong ánh nắng ban mai thật nên thơ; những đàn chim cò vỗ cánh in bóng trên mặt hồ làm lòng người xao xuyến trước bức tranh thiên nhiên thật hoàn mỹ.
Hàng năm rất nhiều du khách yêu thích thiên nhiên trở về với Biển Lạc. Họ trải nghiệm nghề câu cá, thả lưới rồi thưởng thức “ẩm thực cá Biển Lạc” trên lồng bè hoặc ngắm nhìn thỏa thích những đóa hoa lan khoe đủ sắc màu trong khu rừng già ven lòng hồ.
Có thể nói, vẻ đẹp hoang sơ, nằm giữa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, hồ Biển Lạc không chỉ là một thắng cảnh tuyệt đẹp ở huyện Tánh Linh mà còn là nguồn nước dự trữ dồi dào để cung cấp cho các vùng khô hạn. Từ 10 năm trước, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt dự án đầu tư tuyến kênh tiếp nước từ hồ Biển Lạc đến Hàm Tân có chiều dài gần 50km, với tổng mức đầu tư dự án 376.982 triệu đồng.
Bình luận (0)