Luật sư Bùi Đình Ứng - Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết: "Câu chuyện xảy ra khá lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị về cách ứng xử dành cho các cặp vợ chồng trẻ cũng như hai bên thông gia.
Chỉ vì một câu nói không thuận tai dẫn đến hành vi bốc đồng của người lớn khiến cho hạnh phúc của đôi trẻ bị phá vỡ".
Câu chuyện xảy ra ở một vùng quê của tỉnh Thái Bình. Hoàng Thu Hằng và Lê Văn Nam là người cùng xã, khác thôn nên họ có nhiều thời gian tìm hiểu, yêu nhau trước khi đến quyết định kết hôn. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi cho đến ngày cưới, chuyện không hay đã xảy ra.
Theo đó, vào ngày ăn hỏi, nhà trai đã mang các tráp lễ sang nhà gái. Ngoài bánh, kẹo, trầu cau… họ không quên chuẩn bị thêm trà để nhà gái lo chuyện nước uống mời dân làng, bạn bè trong ngày cưới.
Đám hỏi diễn ra vui vẻ, thuận lợi, đôi nam nữ háo hức chờ ngày về chung một nhà. Vào đêm vui trước khi lễ cưới diễn ra, nhà gái pha trà, bày kẹo, hạt dưa… đãi bạn bè và dân làng. Trong đám nam thanh nữ tú đến dự đêm vui ở nhà gái hôm đó có cả họ hàng chú rể.
Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Một bác họ cô dâu nâng chén trà lên nhấp miệng, nói với mẹ cô dâu: "Trà hãm đặc quá. Mợ cho ít chè thôi để phần mai còn mời khách nhà trai sang đón dâu, không lại không đủ".
Mẹ cô dâu nghe vậy, đáp lời: "Hết thì nấu lá mít cho người ta uống. Con gái nhà người ta xinh xắn, chăm bẵm bao năm giờ sang ăn hỏi mang được nhúm trà sang. Từng đó ai uống ai nhịn".
Lời chê của mẹ cô dâu vô tình lọt vào tai một người họ hàng của chú rể đang dự đám vui ở đây. Người này về và nói lại với nhà trai.
Nhà trai đêm đó đang háo hức chuẩn bị cho sáng mai đón dâu nghe được câu nói ấy ai nấy tối sầm mặt mày. Anh trai của chú rể, một người đàn ông thành đạt ở Hà Nội về quê tổ chức đám cưới cho em, vô cùng tức giận. Ông quyết định hủy hôn của em trai vì cho rằng nhà gái coi thường, khinh nhà trai keo kiệt, nghèo hèn.
Tiếng nói của người này trong gia đình rất có trọng lượng, lại đang trong cơn giận đang bốc lên đỉnh điểm, họ nhà trai nhất trí với ý kiến trên. Trong lúc đó, chú rể vừa bực vừa buồn, đau đầu không biết xử trí thế nào.
Sáng hôm sau nhà chú rể vẫn linh đình làm cỗ đãi khách. Khách mời đến ăn uống no say nhưng không thấy nhà trai đón dâu về. Sau bữa cỗ rình rang, anh trai chú rể lên phát biểu. Trước các khách mời, người này khẳng định em trai ông muốn tìm người dâu hiền vợ thảo cho gia đình nhưng không may mắn gặp phải gia đình nhà vợ không biết tôn trọng thông gia.
Vì vậy ông tuyên bố hủy hôn. Thông tin này khiến các khách mời ngã ngửa. Mọi người lục đục ra về không quên bàn tán gây xôn xao cả một vùng quê.
Trong khi đó, tại nhà gái, cô dâu xúng xính váy áo, trang điểm nhưng chờ quá giờ lành vẫn không thấy nhà trai đến. Bố mẹ cô dâu đi ra đi vào, gọi bao cuộc điện thoại vẫn không thấy bóng dáng thông gia. Nhà gái đành cho người sang thăm dò phía nhà trai. Sau khi nghe thông tin nhà trai tuyên bố hủy hôn, họ hàng nhà gái cũng giận tím mặt.
Nhà gái mang toàn bộ sính lễ trả lại nhà trai. Đồng thời họ cấm cô dâu qua lại với chú rể cũng như nhà trai. Bố mẹ cô dâu tuyên bố: "Con gái có lỡ dở cũng không bao giờ gả sang nhà ấy lần nữa". Cô dâu nghe chuyện bẽ bàng, tủi hổ khóc lóc suốt đêm.
Cặp đôi đã đăng ký kết hôn. Ngay sau đó cả hai dưới sức ép của gia đình cũng nhanh chóng hoàn tất thủ tục ly hôn. Đám cưới của họ trở thành chủ đề bàn tán của dư luận suốt thời gian dài.
"Trong vụ việc này họ hàng hai bên đều không quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm của đôi trẻ. Họ chỉ chăm chăm tìm mọi cách để trả đũa đối phương, xoa dịu cơn giận của mình. Hậu quả là đôi trẻ phải gánh lấy sự tan vỡ.
Tôi cũng thấy buồn vì đôi trẻ kết hôn nhưng chưa chuẩn bị tâm lý, chưa có sự chín chắn, quyết đoán để đứng lên đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Cả hai đã phải chia tay vì một sự việc không đáng có", luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh.
Bình luận (0)