Quần đảo này từ lâu đã trở thành chốn đi về quen thuộc trong hành trình mưu sinh, giữ biển của họ. Họ quan niệm giữ nghề câu là giữ biển khơi của cha ông để lại.
Câu cá mập ở Hoàng Sa
Theo các bậc cao niên, nghề câu cá mập ở đây có từ thời “chiêu dân lập ấp” cách đây cả mấy trăm năm. Họ chỉ biết rằng từ đời ông, đời cha, rồi đến đời con, đời cháu đều làm nghề này. Nghề này gọi là nghề câu to để phân biệt với nghề câu nhỏ là câu các loài cá thông thường.
“Làng này có từ lâu lắm rồi. Đàn ông ở đây mới 5 tuổi đã biết ra biển lặn ngụp. Tôi 12 tuổi đã theo cha ra biển. Nghề câu cá mập đã có từ lâu, nhưng từ sau năm 1975 nghề này mới rộ và trở thành nghề kiếm sống chính cho cả làng. Thời tôi, làm nghề câu to bằng thuyền nhỏ, chỉ gắn máy một lốc có công suất vài chục mã lực, chỉ câu vùng lộng (gần bờ-PV) chứ không ra khơi như bọn trẻ bây giờ”, Trưởng làng Lê Văn Trí (72 tuổi) cho biết.
Theo ông Trí, bước chuyển lớn nhất của nghề câu to làng Thủy Đầm diễn ra hai năm 2009 đến 2010, khi đó Nhà nước kêu gọi ngư dân đóng tàu lớn vươn ra ngư trường xa. Một lớp ngư dân trẻ đã mạnh dạn đóng tàu lớn và đi tìm cá mập ở những vùng biển xa hơn.
Theo tìm kiếm của ngư dân Thủy Đầm cho thấy không đâu nhiều cá mập như ở vùng biển Hoàng Sa. Vậy là từ đó đến nay, cá mập Hoàng Sa là nguồn sống chính của bà con làng biển này. Những ngư dân trẻ năm nào giờ nhiều người đã thành những thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. Các anh là trụ cột nghề câu cá mập của làng. Cả làng hiện có 16 tàu cá cỡ lớn, có thể vươn khơi xa, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Gia đình anh Phan Cảo (44 tuổi) đã có mấy đời câu cá mập. Trong trí nhớ anh Cảo, tuổi thơ của anh là những ngày theo mẹ ra biển ngóng từng chuyến thuyền câu của cha trở về. Lớn lên một chút, anh theo cha ra biển. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, anh Cảo thuộc nằm lòng từng bước di chuyển của đàn cá, quen thuộc đường đi lối về từ Hoàng Sa.
“Câu cá mập khắp các vùng biển Việt Nam, tôi thấy không đâu nhiều như ở Hoàng Sa. Chính vì vậy mà bao đời nay, cha ông chúng tôi đã tiếp bước nhau ra đây làm nghề. Không biết từ bao giờ, Hoàng Sa đã trở thành ngư trường truyền thống của ngư dân làng Thủy Đầm chúng tôi”, anh Cảo tâm sự.
Lưỡi và cước câu cá mập rất to
Vượt sóng, săn “cọp” biển
Một chuyến đi câu cá mập khoảng 32 đến 42 ngày. Muốn đến ngư trường Hoàng Sa đánh bắt, những chuyến tàu xuất phát từ Thủy Đầm phải mất 3 ngày 3 đêm. Vượt qua gần 300 hải lý, tàu mới đến vùng thả câu ở quanh các đảo Phú Lâm, Đá Bắc, Bạch Quy, Đá Lồi, Bom Bay...
Khác với các tàu đánh lưới cản, lưới rút ở ngoài khơi, tàu câu cá mập thường tiến sát vào đảo để bắt mồi câu trong rạn. Các thuyền viên đeo bình khí, lặn xuống đáy biển ở các khu vực san hô để bắt cá mồi. Đó cũng là nơi kiếm ăn với các loài cá khoái khẩu của cá mập như cá mó, cá mú, cá giò... để móc vào làm mồi câu sống. Đủ mồi thì giăng câu. Giàn câu của tàu lớn có đến ngàn lưỡi câu, thả xuống biển dài khoảng 20 hải lý. Lưỡi câu bằng sắt to, chắc chắn.
“Người ta gọi câu cá mập là săn cọp biển, quê tôi gọi đơn giản là câu to. Tức là câu bằng tàu to, lưỡi và cước to, lá gan người đi biển lớn, con cá mang về rất to”, anh Phan Hạnh (41 tuổi) nói.
Theo anh Hạnh, thả xong giàn câu như vậy thường mất 4 tiếng. Thả từ chiều rồi để mồi câu qua một đêm, khi trời còn tối đen thì thu câu cho tới khi mặt trời lên cao chói chang thì mới xong. Cá mập cắn câu nhiều vào đầu đêm nên phần lớn đã chết. Lúc này ngư dân mới dùng tời máy để kéo cá vào.
Con nào còn sống thì kéo lên trên mặt nước, rồi dùng cây sắt dài đầu nhọn đâm vào lưng cho chết hẳn mới kéo lên tàu. Con nhỏ thì 1 tạ, con nào to nhất cũng lên đến 4 tạ. Cá được kéo lên boong, cắt ngay các vi cá để bảo quản riêng, còn thân cá thì cho xuống hầm tàu muối đá.
“Phải đâm cho nó chết, nếu không nó sẽ ăn thịt người trên tàu. Bởi nó được mệnh danh là “hung thần của đại dương” hay “thần chết đại dương”, để nó sống là mình toi mạng ngay”, anh Hạnh cho biết.
Mỗi một lần thả câu, kéo câu, vật lộn với những con cá mập, tất cả ngư dân đều rã rời. Người không quen thì bảo là cả một cuộc chiến, mà những dũng mãnh mới có thể sống sót. Nhưng những ngư dân Thủy Đầm thì lại dửng dưng cho đó là bình thường, bởi họ đã quá quen với những con cá mập trắng ởn, miệng rộng ngoác, hàm răng sắc lạnh.
Cá mập do ngư dân Thủy Đầm câu được |
Đối mặt hiểm nguy
Đi săn cá mập khổ nhất là gặp những ngày gió bão. Ngặt một nỗi, biển càng động thì cá mập lại hay ăn mồi hơn. Dù vậy, giông bão mạnh quá thì đành phải đứng yên một chỗ chịu trận, căng sức mà chiến đấu. Gió cả, sóng to như muốn hất ngược con tàu. Trên tàu, người ghì chặt tay lái, người thả dù nước, người vận hành máy bơm để giữ cho tàu không bị chìm.
“Sợ nhất là gặp bão biển. Bão gió cấp 6, cá mập càng hay ăn mồi. Săn cọp biển phải chấp nhận sóng gió thì mới đầy khoang. Có hôm bão lớn, sóng đánh cao vượt cả thân tàu. Phải vận hành hết máy bơm hút nước đi kẻo nặng quá tàu đắm. Biển đen kịt, chả nhìn thấy gì. Chúng tôi chỉ còn biết cầu trời cho sống sót, nhưng có phải bao giờ và ai cũng được sống sót đâu”, anh Cảo bộc bạch.
Ngư dân Trương Quốc Bảo (43 tuổi) không bao giờ quên một đêm mà con tàu 550 CV của anh cùng hơn chục bạn thuyền rã rời trong sóng gió. Hôm ấy gặp bão, tàu cố chạy tránh nhưng vẫn không tránh kịp, đành phải chịu trận. Những đợt sóng cao hơn mái nhà liên tiếp ập xuống cabin, rồi quất tràn qua boong tàu. Con tàu như chiếc phao bập bênh chốc chốc lại hứng trọn một cú tát như trời giáng hất lên từ mặt biển.
Trong buồng lái, anh Bảo, ghì chặt tay lái, rồi lệnh: “Thả dù nước!”. Túi vải dù có đường kính chừng 20m được các thuyền viên thả xuống với độ sâu đã được tính toán là 30m, nó kịp giữ một khối nước lớn để ghìm tàu bớt chao đảo. Máy trên tàu vẫn nổ giòn giã để kịp bơm nước trong tàu ra, giữ tàu không bị chìm. “Mà lạ, cái nghề này hạp với sóng to gió lớn, vì lúc đó cá mập ăn câu dữ nhất”, anh Bảo tâm sự.
Với ngư dân làng Thủy Đầm, trong những chuyến biển ra Hoàng Sa, không ít lần họ bị tàu Trung Quốc vây ép. Hơn chục năm câu cá mập ở Hoàng Sa, có lẽ những ngày sóng gió lớn nhất mà anh Hạnh trải qua là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Anh Hạnh nhớ lại: “Giữa tháng 5/2014, khi tàu của tôi đang ở đảo Bạch Quy thì tàu Trung Quốc bất ngờ xuất hiện. Họ bắn chỉ thiên liên tục nhằm uy hiếp. Cùng với tàu của tôi còn có tàu của anh Phan Hoan. Thấy nguy, chúng tôi chạy về 2 hướng. Tàu tôi tiến về phía bắc, còn tàu của anh Hoan chạy về phía nam. Dù chúng dùng súng uy hiếp, anh em trên tàu vẫn không hề nao núng. Chúng tôi cho tàu chạy lòng vòng để tránh sự rượt đuổi của tàu Trung Quốc. Sau hơn nửa ngày không vây ép được, họ mới chịu buông tha”.
Giữa các ngư trường xa xôi, những ngư dân can trường và quả cảm làng Thủy Đầm vẫn kiên cường bám biển. Khó khăn mấy họ cũng chấp nhận đối mặt. Tuy nhiên, họ đang buồn vì giá cá và vi cá bị sụt giảm quá mạnh. Thịt cá xẻ về cứ giảm dần, nay chỉ còn 23 nghìn đồng/kg. Trước đây, vi cá mập mang lại lợi nhuận cao, có giá hơn 2 triệu/kg, thì nay chỉ còn hơn 1 triệu đồng.
Vi cá mập là phần bán giá cao nhất |
“Cột mốc chủ quyền bằng xương bằng thịt”
Câu cá mập là nghề nguy hiểm, tốn công sức nhất trong tất cả các thể dạng mưu sinh trên biển lớn. Có người bị cá quẫy văng xuống biển, vùi thây trong bụng cá hoặc bụng biển, vĩnh viễn không ai biết. Bản thân các ngư dân làng Thủy Đầm, trước khi vươn khơi, hầu hết họ và gia đình đều phải thắp nhang cầu khấn.
Không mê tín dị đoan nhưng trong đáy lòng, họ hiểu rằng đối mặt với biển cả, sóng cao như nóc nhà, cá lớn như thủy quái, tàu lớn, sức con người thôi chưa bao giờ là thứ neo giữ đủ an toàn cả. Họ cần bấu víu vào một niềm tin cao hơn. Có đi câu cọp biển mới biết đời người săn cá mập không chỉ khiến vợ, con, cha mẹ, anh em, hàng xóm ở nhà phải “hồn treo cột buồm”, mà chính các ngư dân cũng luôn có cảm giác mạng sống của mình treo nơi ngọn sóng.
Chính nhờ đánh bắt cá mập mà cuộc sống của ngư dân ở đây đổi đời. Mỗi chuyến đi chi phí xăng dầu, lương thực, thực phẩm… cũng tốn kém hàng trăm triệu đồng, nhưng đổi lại giá trị do khai thác cá mập lại giúp nhiều ngư dân đổi đời. Vì vậy, khi đến Thủy Đầm, không lấy gì làm ngạc nhiên khi bắt gặp những ngôi nhà cao tầng san sát. Nhưng không phải ngư dân nào cũng có tiền đầu tư tàu lớn. Thế nên, đi sâu vào trong làng, nơi dốc ra phía biển, sẽ thấy dấu tích của một làng chài nghèo nơi những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, nhỏ hẹp.
“Nghề câu cá mập ở Thủy Đầm là nghề truyền thống, tiếp nối từ đời này sang đời khác, đến nay càng phát triển hơn với đội tàu to có thể tiến ra biển xa. Tôi vui khi các thế hệ con, cháu vẫn giữ nghề truyền thống của làng. Tôi vẫn thường nói với con cháu mình rằng, ra Hoàng Sa câu cá mập không đơn thuần chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn là việc giữ ngư trường truyền thống của cha ông để lại, giữ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Trí tâm sự.
Theo ông Phạm Tấn Đang - Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy, nghề câu cá mập ở làng Thủy Đầm đã có từ xa xưa. Mỗi năm, cứ đến tháng 2 âm lịch, tàu thuyền dù đang ở Trường Sa hay Hoàng Sa, đều giong buồm trở về nhà, tổ chức lễ hội cầu ngư. Một năm vì vậy có đôi ba ngày để nghỉ ngơi, để cầu bình an và hy vọng thắng lợi, bội thu cho một năm sắp tới.
“Ngư dân đi biển ở địa phương đều được phổ biến các văn bản pháp luật như Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới, Chiến lược biển Việt Nam… Họ ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Một cách tự nhiên, những ngư dân đã trở thành những cột mốc chủ quyền bằng xương bằng thịt, giữ từng tấc đất biển thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Đang cho biết.
Bình luận (0)