Bên sông Lam (Nghi Lộc, Nghệ An) có một nghề rất hay là nghề lặn bắt tôm càng xanh, cua, cá... Những thanh niên này được người dân gọi với cái tên trìu mến “biệt đội rái cá” làng Thái Cát.
Chờ thủy triều
Làng Thái Cát (xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) có nhiều người gắn với việc mưu sinh nhờ dòng Lam Giang (sông Lam). Những ngày này, cứ độ 10h sáng tới 15h chiều khi nước sông dần rút xuống là lúc những "rái cá" sông Lam vạm vỡ vào cuộc.
"Rái cá" Thái Bá Sơn lặn bắt tôm càng xanh bên bờ sông Lam. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt, anh Thái Bá Sơn (làng Thái Cát, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc) - một "rái cá" chính hiệu chia sẻ: "Cứ đến mùa này, chờ thủy triều xuống là nhóm thanh niên chúng tôi lại mang theo các dụng cụ như lưới, tất dày ra sông cạnh cống 4 khoang để lặn bắt cá, tôm, cua. Nghề này nguy hiểm, vất vả vì nếu chẳng may lặn gặp phải đá sắc, vỏ sò nhọn thì sẽ bị cứa tới chảy máu. Chưa kể, gặp phải cua to bắt cũng không dễ vì càng của chúng rất khỏe, nếu kẹp vào ngón tay thì cũng thương tích".
Trước khi ngụp lặn dưới sông Lam bắt tôm, cua, "biệt đội rái cá" phải đi tất chân vào để tránh chầy xước. Ảnh: Cảnh Thắng
"Thả lưới để bắt chủ yếu là loại cá kia, một loại cá giống cá ngạnh, loại cá này nhỏ bằng ngón tay, sống ở vùng nước lợ. Hàng ngày chúng tôi bắt được khoảng 4 - 5 kg. Giá mỗi kg tầm 100.000 đồng. Còn khi lặn xuống sông chủ yếu là bắt tôm càng xanh và cua. Gặp may mà bắt được cua tầm 4 lạng là có ngay 200.000 đồng" - Sơn cho biết thêm.
"Rái cá" sông Lam trước khi ngụp lặn thả lưới bắt những con cá nhỏ. Ảnh: Cảnh Thắng
Gặp may có ngay tiền triệu
Tôi đứng trên bờ quan sát, chưa đầy 10 phút, "rái cá" Vương Văn Ngọc làng Thái Cát đã tóm được con tôm càng xanh, 3 con cua to.
"Lớn lên bên sông nước và quen với nghề này rồi nên đối với tôi chuyện lặn bắt tôm càng xanh, cua là quá bình thường. Những ngày trước, chỉ cần mấy phút lặn tôi đã bắt được hơn 4kg cua và tôm càng xanh. Giờ tôm, cua ít hẳn đi trông thấy. Những dịp lễ 30-4; 1-5 này, tôm càng xanh và cua rất được chuộng nên giá nhích hơn".
Việc chuẩn bị đồ nghề trước khi lặn tuy giản đơn nhưng cũng lắm công phu. "Biệt đội rái cá" chuẩn bị cho mình những đôi tấy (vớ-) dày, thậm chí 2 đến 3 đôi lồng vào nhau để đi vào chân khi xuống nước có thể chống vật sắc nhọn. Trước khi ngụp lặn bắt cá, tôm, cua, họ thả những tay lưới nhỏ, để đánh bắt loại cá kia (chuyên nấu canh chua). Sau thời gian thả lưới, "rái cá" nơi đây bắt đầu đi găng tay vào để ngụp lặn bắt cua, tôm càng xanh.
Thành quả của một chuyến gỡ lưới, bắt cá kia, đối. Ảnh: Cảnh Thắng
Thành quả của hơn 5 phút ngụp lặn dưới sông của rái cá sông Lam. Ảnh: Cảnh Thắng
"Ngày hôm nay rất may mắn, tôi lặn được một lúc nhưng bắt được 3 con cua, 5 con tôm càng xanh to. Nếu bán từng này tôi cũng kiếm được hơn 1 triệu. Hôm trước tôi bắt được con cua khoảng 5 lạng nhưng do không đi tất tay nên bị nó kẹp sưng vù ngón tay" - rái cá Toàn khoe.
Được biết, để mưu sinh với nghề này, ngoài sức khỏe “rái cá” cần có kỹ năng sông nước đặc biệt chưa kể khả năng nhận biết được mạch cá, tôm, cua thường sinh sống ở vùng nước nào, mật độ ra sao.
Theo những "rái cá", muốn bắt tôm, cua phải ngâm mình lâu dưới nước. Mùa này, khoảng thời gian từ 10h sáng tới 15h chiều, nước cạn nhất nên mới có thể lặn bắt được. Mùa khác thì rất khó vì khó nhận biết được nơi trú ngụ của tôm, cua, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Bình luận (0)