Những con cá nhỏ li ti nhưng giúp ngư dân có một khoản thu nhập kha khá.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi, ngư dân Thuận An, Hải Tiến, Phú Thuận... tay vợt tay lưới đi vớt cá con (còn gọi là cá giống) ở nơi con nước tiếp giáp giữa đầm phá và biển về bán cho các trại ươm.
So với những chuyến đánh bắt ngoài khơi thì công việc này nhẹ nhàng hơn nhiều. Chỉ cần siêng năng, mỗi người một ngày kiếm được chừng 200-300 ngàn đồng.
“Mùa cá giống mỗi năm diễn ra trong khoảng một tháng. Từ đây tới khoảng 1 tuần nữa là hết. Chừ anh em tui tranh thủ vớt 1-2 ngày nữa rồi nghỉ”, anh Trần Văn Huy, ngư dân xóm Đuồi, thôn Hải Tiến (Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tàu đánh bắt xa bờ cho biết.
Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, những loại cá này sau khi vớt về được bà con thả nuôi trong môi trường tự nhiên, khi xuất chuồng có giá trị kinh tế khá cao, từ 120-150 ngàn đồng/kg cá hồng, còn cá nâu giá gấp 3 lần nên dù là nghề phụ nhưng cũng giúp bà con kiếm thêm thu nhập.
Cùng Thừa Thiên Huế Online theo chân những người "săn" cá giống ở Thuận An:
Đồ nghề "săn" cá giống rất đơn giản, chỉ càn mảnh lưới nhỏ, vợt và xô đựng
Cá giống loanh quanh sát bờ nên không phải lội ra xa
Có 3 cách để bắt cá giống, hoặc dùng lưới nhỏ kéo từ ngoài vào sát bờ...
... hoặc dùng vợt để xúc
Cách thứ 3 là dùng dũi
Ngoài những chú cá hồng, cá nâu lít nhít, thỉnh thoảng vẫn bắt được những chú cá hồng to bằng 2 ngón tay người lớn
Cứ gom khoảng 100 con ngư dân đem về nhốt ở rọng, tránh cá chết vì kiệt sức
Cá giống được gom lại và bán cho các trại ươm cá với giá 1-2 ngàn đồng/con cá hồng, còn cá nâu đắt gấp 2-3 lần. Sau khoảng 1 tháng, cá lại được thả nuôi ở môi trường tự nhiên trong những lồng cá trên phá Tam Giang.
Bình luận (0)