Mà Sa Phìn - tiếng Quan Hỏa, nghĩa là "bãi cỏ gianh bằng phẳng", nhưng lại là thôn nằm cao nhất, xa nhất và tình hình an ninh cũng phức tạp nhất của xã nghèo Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đã bao thăng trầm trôi qua nhưng nơi này vẫn vậy, vẫn rờn rợn vẻ liêu trai và vẫn mưng nhức bởi những chuyện đời tàn tạ, quẩn quanh mộng vàng
Trở lại Mà Sa Phìn
Đỉnh núi Mà Sa Phìn tròn 1 năm sau thảm họa sạt lở giờ đã ngằn ngặt xanh. Những dải đất vàng ệch trượt xuống hồi tháng 8 năm ngoái giờ lau lách đã lút đầu người. Con đường độc đạo dẫn vào khai trường trước bị băm nhỏ bởi những điểm sạt lở, giờ xe bán tải 2 cầu có thể chạy một mạch đến tận đỉnh. Những lán trại lụp xụp xanh đỏ cũng đã được dựng lại, chênh vênh như những tổ chim sơ sài gá tạm vào vách núi…
Cho đến nay, chính xác có bao nhiêu phu đãi vàng vùi mạng nơi rừng thiêng nước độc, vẫn còn là ẩn số mà chỉ những người trong cuộc mới có thể nắm rõ. Chỉ biết kể từ lần "chốt" cuối cùng hôm 29.8.2016, đúng 10 ngày sau thảm họa, cuốn sổ ghi danh tính nạn nhân chưa một lần được mở lại, đóng đinh khô khan: 9 người chết và 2 người mất tích - con số thậm chí không bằng số liệu mà nhóm PV Báo Lao Động khi ấy đã trèo đèo lội suối vào giữa tâm thảm họa để ghi nhận.
Giải thích cho điều này tại cuộc trao đổi mới nhất với PV, ông Phạm Bình Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn - đã liệt kê ra hàng loạt những khó khăn. Đáng kể nhất là vướng mắc trong công tác kiểm tra, giám sát nhân khẩu làm việc tại khu vực mỏ vàng và việc các gia đình nạn nhân không chủ động kết hợp.
Đưa chân chúng tôi là một người đàn ông tên T, độ 40 tuổi, quê gốc Thái Bình. T kể, anh có thâm niên làm xe ôm ở đây từ khi bãi vừa nổi, khoảng 10 năm trước, nên gần như thông tường mọi ngóc ngách của thế giới khu biệt. Thời kỳ hưng thịnh nhất, những năm 2011-2013, khi hoạt động khai thác vàng hoàn toàn là tự phát, thao túng vùng đất vẫn là những tên tuổi "nồng mùi máu", anh có thể kiếm tới 2 triệu đồng mỗi ngày chỉ nhờ dịch vụ chở người và các dụng cụ đào xới.
T cũng cho biết, vàng ở Mà Sa Phìn là vàng gốc, các thân quặng vàng nằm sâu trong lòng núi nên phải khai thác theo phương pháp hầm lò kiểu "chạy địa đạo" hoặc hầm "xương cá", sau đó tuyển nổi và luyện ngay tại chỗ. Vì lẽ đó, nơi này từng níu giữ một lượng nhân công khổng lồ, gồm cả những lao động trực tiếp và những người làm công việc phụ trợ.
"Nhưng giờ đã khác rồi" - người tài xế nói - "kể từ khi Công ty Cổ phần vàng Nhẫn được giao nhiệm vụ khai thác và quản lý, đặc biệt sau vụ sạt lở năm ngoái, mọi việc đã yên ả hơn rất nhiều. Có những chủ bưởng mất người, mất máy móc, nợ nần ngập đầu phải bỏ xứ mà đi. Có những chủ bưởng phải sáp nhập lại hoặc đầu quân về cho Nhẫn. Tuy vậy, đó vẫn chỉ là những gì nhìn thấy được…".
Suốt hành trình hơn 20km chở chúng tôi vào bãi bằng chiếc xe máy đã độ đẽo quá nhiều và chẳng còn chút hình hài nào của chiếc Yamaha Sirius nguyên bản, T luôn tránh trả lời về những góc khuất ở Mà Sa Phìn. Chiếc xe cũ nát ỳ ạch chạy xuyên qua cánh cổng sắt của công ty, chạy xuyên qua lán chỉ huy và khu vực sàng tuyển của Nhẫn, xe chạy đến tận cuối con đường, T chỉ tay về phía đỉnh núi: "Lên trên ấy, tìm lán của bà Lâm".
Chuyện ghi giữa đỉnh núi
Khu vực lán cũ của bà Lâm giờ chỉ còn bãi đất trống trơ trọi ám khói đen nhẻm. Cách ấy không xa là lán của chị Đặng Thị Là, một phụ nữ 35 tuổi quê Nam Định. Chị Là người mỏng mảnh, lúc chúng tôi đến nơi, chị đang cùng đứa con út độ 2 tuổi ngủ lăn lóc trong chiếc lán bằng bạt rộng chừng 4m2 nóng hầm hập. Một chút lưới thép mắt cáo cao ngang hông quây xung quanh, khiến căn lều của hai mẹ con vơi bớt sự mong manh.
Nhìn căn lều tạm chỉ tựa người đã rung lên bần bật, tôi hỏi: "Không sợ "phỉ" vào cướp phá à?", chị cười: "Sợ đã không ở". Và đúng là chị Là không sợ thật. Cạnh lán của chị còn có mấy cái ổ tạm bợ rộng chừng 1m2, chăn chiếu xộc lên mùi ẩm mốc, chị nói đó là nơi trú ngụ của đám "lọ mọ" với tỉ lệ mù chữ và nghiện hút cao báo động.
"Lọ mọ" - cách gọi đầy cay nhức nhưng đúng muôn phần về đội quân lay lắt sống bám vào mỏ vàng. Họ có thể là người địa phương hoặc đến từ rất xa, thường là người dân tộc thiểu số, hằng ngày vác máng gỗ "lọ mọ" khắp các khe suối, lạch nước, mót lại những vảy vàng chẳng may sót lại sau sự đào xới, sàng lọc từ những máy móc hiện đại. Có người đem theo cả gia đình, con cái ẩn dật tận sâu trong bãi, chon von trên đỉnh núi với mong muốn cuộc đời rạng lên nhưng đổi trả chỉ là những gam màu xám ngoét để rồi kẹt mãi tại đó.
Thân nữ giới sống giữa đám "lọ mọ" mà vẫn thản nhiên, trên đỉnh Mà Sa Phìn còn có bà Lâm (63 tuổi) và bà Thu (50 tuổi), quê cùng ở huyện Chợ Mới, Bắc Kạn. Rời vị trí cũ, hai bà Lâm - Thu chuyển lên chỗ có thế đất cao hơn. Ngoài việc bán đồ tạp hóa lặt vặt mà chủ yếu là đồ ăn phục vụ phu phen, công việc chính của 2 bà cũng giống như người phụ nữ ở phía dưới là thu đổi vàng lẻ cho đám "lọ mọ".
So với túp lều tạm bợ của chị Là, căn chòi của hai phụ nữ quê Bắc Kạn có phần nghiêm ngắn hơn. Trong chòi có giường, chiếc ghế băng ọp ẹp để khách ngồi, trên chiếc bàn gỗ bản lớn đối diện cửa ra vào là la liệt những đồ ăn uống dạng đóng hộp, được các bà thuê gùi với giá 5.000 đồng mỗi kilogram. Nổi bật trong khoảng trống nhem nhuốc còn lại, chính là bộ dụng cụ để khò vàng đã cũ kỹ cùng đủ các thứ chai lọ lỉnh kỉnh dựng các dung dịch nguy hại như thủy ngân, axit, nitơ lỏng… Bà Lâm bảo, bà mua sẵn để đấy, giúp đám "lọ mọ" tự cô vàng tại chỗ, đến khi thành vàng rồi, bà sẽ mua lại.
Chung thực trạng với túp lều của chị Là, nơi trú ngụ của 2 bà Lâm - Thu cũng không có điện và bị bủa vây bởi cơ man những chiếc ổ hôi hám. Mỗi ổ lại là chỗ trú thân một gia đình "lọ mọ" có khi tới 4-5 người. Có những ổ, thậm chí chỉ được bện tạm bợ bởi lá cây rừng. "Họ nghiện cả. Cứ dắt díu nhau thế. Ban ngày mót được tí vàng nào thì đi kiếm "trâu" (ma túy) để chơi cho thỏa cơn nghiện trước, sau đó mới ăn, đêm lại kéo vào ổ ngủ. Hôm sau lại thế. Không biết một cái gì ngoài việc sống theo bản năng" - bà Lâm chua chát nói.
Những phận thân "lọ mọ
Trong đám "lọ mọ" sống bám lấy nguồn ánh sáng xa xỉ phát ra từ cây đèn dầu leo lét trong căn lều tạm của bà Lâm mỗi tối, tôi đặc biệt chú ý đến gia đình Thào A Chợ (36 tuổi), còn gọi là Chợ "chột", quê ở Mù Cang Chải, Yên Bái đã lang thang trên đỉnh Mà Sa Phìn suốt 2 năm nay nhưng chưa lần nào về quê. Ngoài 2 đứa con gái nhỏ độ 5-6 tuổi sống bám bố mẹ, Chợ còn có 2 đứa lớn sống ở quê và một trẻ vừa chết vì lạnh và thiếu thốn hồi đầu năm khi chỉ được 10 ngày tuổi.
Đỉnh núi Mà Sa Phìn hoang lạnh cũng có gia đình Phà A Dế (35 tuổi), người gốc Nậm Xây. Dế và vợ là Già Thị Chứ có 5 người con, được chính quyền địa phương liệt vào danh sách đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ gạo, thịt định kỳ nhưng cũng chả thấm vào đâu. Vợ chồng Dế rất khéo tay đãi. Đều đặn, ngày nào Dế cũng đãi được vàng, hoán đổi ra tiền khi thì dăm ba chục, khi thì cả triệu đồng nhưng chỉ là vô nghĩa với những cơn vật vã ngày càng gia tăng vì thiếu thuốc của hai vợ chồng. Tay Dế sần sùi, mắt Dế đỏ quạch, cổ họng Dế khản đặc vì thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với những thứ hóa chất độc hại trong quá trình tuyển vàng.
Nhiều người muốn kết thân với Dế để lây "lộc" vàng trong đó có Chợ "chột". Nhưng cũng khúc suối ấy, cũng khe núi ấy chẳng hiểu sao trời lại khó chiều lòng người. Để rồi những đứa trẻ trên đỉnh Mà Sa Phìn, những hiện thân trực quan cho hoang mộng vàng mù mịt, cứ lớn lên như cây cỏ. Hằng ngày, những đứa con của Chợ, của Dế hay của nhiều ông bố bà mẹ trong kiếp "lọ mọ" khác hoặc theo bố mẹ chui sâu vào các hang núi lạnh lẽo hoặc luẩn quẩn trong cái ổ hôi hám của mình. Chúng sẽ đủ ăn nếu ngày hôm ấy, bố mẹ chúng kiếm được chút vảy vàng và sẽ chấp nhận ôm cái bụng đói đi ngủ nếu trên chiếc máng gỗ khi bố mẹ trở về, không có chút lấp lánh nào.
Bình luận (0)