xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi ông chủ nhà trọ tốt bụng

Theo Đoàn Phú (baodongnai.com.vn)

Ông chủ nhà trọ ấy tuy không khá giả gì cho lắm nhưng sẵn sáng giang tay giúp đỡ những người khó hơn mình

Khi ông chủ nhà trọ tốt bụng - Ảnh 1.

Trẻ em ở khu nhà trọ rất thân thiện với vợ chồng ông Lê Văn Hồng.


Đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa, ông Lê Văn Hồng (chủ nhà trọ ở ấp Tân Phát, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom) được cô giáo Hà ở Trường tiểu học xã Đồi 61 gọi điện thoại nhắc đã đến giờ học rồi mà 2 em Như và Nhân chưa có mặt ở lớp. Nghe vậy, ông Hồng vội lấy xe máy chạy đến khu nhà trọ của gia đình ông chở 2 chị em Như và Nhân đến trường. Ông Hồng phân trần với cô giáo, do 2 em ở quê mới đến nên không nhớ đường đến trường, cha mẹ các em vì bận vào ca nên không đưa con đi học được.

Lý do cô Hà gọi điện cho ông Hồng chứ không phải phụ huynh khi không thấy 2 em Như và Nhân đi học là vì ông Hồng chính là người đến trường xin cho Như và Nhân (con của công nhân thuê phòng ở khu nhà trọ của ông Hồng) khi 2 em mới từ tỉnh Hậu Giang chuyển đến. Ông Hồng cho biết việc ông liên hệ với các trường xin cho con em các gia đình công nhân ở khu nhà trọ của ông đi học là thường xuyên.

Giúp trẻ em đến trường

Em nào thiếu giấy tờ, ông Hồng liên hệ với UBND xã nhờ can thiệp hoặc xin nhà trường cho các em nợ một thời gian, chờ người nhà về trường cũ của các em làm hoàn tất rồi nộp sau. Con em gia đình nào thiếu tập sách, xe đạp để đi học, vợ chồng ông kết hợp với nhà trường vận động hỗ trợ. Học sinh nào có hoàn cảnh quá khó khăn, vợ chồng ông bỏ tiền túi nộp học phí giúp.

Chuyện tìm chỗ gửi trẻ học mẫu giáo, tiểu học, THCS đối với các gia đình công nhân quê ở các tỉnh: miền Trung, miền Tây Nam bộ, khu vực Tây Nguyên ở khu nhà trọ của ông Hồng không phải gia đình nào cũng tự lo được; bởi khi họ xa xứ mưu sinh giấy tờ cá nhân của họ còn thiếu chứ nói gì đến giấy tờ liên quan đến việc học của con trẻ. Cho nên, khi con em đến tuổi đi học hoặc chuyển từ quê đến, họ đâm ra lúng túng và cậy nhờ vợ chồng ông Hồng giúp đỡ.

Vốn là cán bộ ấp, xã, vợ chồng ông Hồng thật sự không muốn con em các gia đình công nhân ở trọ tại khu nhà trọ của gia đình ông thất học vì thiếu giấy tờ. Vì vậy, thấy gia đình công nhân ở trọ có con nhỏ đến tuổi đi học mà ở nhà lêu lổng, vợ chồng ông Hồng liền vận động phụ huynh, giúp đỡ để các em được đến trường. Nhờ vậy, vài em đã cố gắng học xong THCS để sau này xin vào làm công ty, phụ giúp cha mẹ.

Đến xã Đồi 61 sinh sống gần cha mẹ, được học tập trong những ngôi trường công lập đạt chuẩn quốc gia, con em công nhân lao động ở khu nhà trọ của ông Hồng thích lắm. Cuối năm học, có em được phần thưởng của trường đã gặp vợ chồng ông tíu tít khoe giấy khen, làm vợ chồng ông cũng vui lây.

Những dịp Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, học trò trong khu nhà trọ càng háo hức chờ quà của vợ chồng ông Hồng. Ngoài bánh kẹo, tập vở, xe đạp cũ…, các em còn được một đêm múa hát, vui đùa thỏa thích.

Bà Hương (vợ ông Hồng) tâm sự chăm lo cho các cháu nhỏ trong khu nhà trọ của gia đình là một phần trách nhiệm của cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã như bà và Trưởng ấp như ông Hồng.

Khi ông chủ nhà trọ tốt bụng - Ảnh 2.

Khu nhà trọ của vợ chồng ông Lê Văn Hồng có đặt bảng nhắc nhở người ở trọ cảnh giác với việc vay tín dụng đen.


Làm bạn với người ở trọ

Vợ chồng ông Hồng - bà Hương vốn ở tỉnh Bình Dương về xã Đồi 61 mưu sinh. Ngày mới lấy nhau, vợ chồng ông chỉ có túp lều tranh nho nhỏ ở ấp Tân Đạt. Nhờ chịu khó làm ăn, cần kiệm tích lũy, vợ chồng ông đã có hơn 2 hécta đất rẫy, ao cá và xây được 62 phòng trọ cho thuê.

Từ cuộc sống khó khăn vươn lên nên vợ chồng ông luôn biết chia sẻ với những người ở trọ. Người dân trong xã cho thuê phòng trọ với giá 1 triệu đồng/phòng/tháng, vợ chồng ông chỉ lấy giá 600-700 ngàn đồng/phòng/tháng và cứ duy trì mức giá đó suốt 10 năm nay. Riêng những đối tượng nghèo, người mới đến chưa có việc làm hoặc gặp hoạn nạn, vợ chồng ông miễn tiền thuê trọ cho họ vài tháng.

Công nhân lao động thích ở khu nhà trọ của vợ chồng ông Hồng vì thông thoáng, an ninh trật tự, phụ nữ trong khu nhà trọ được tham gia vào Hội Liên hiệp phụ nữ, được hỗ trợ vốn, thăm hỏi nhau lúc ốm đau. Riêng các bạn trẻ khi làm việc, ở trọ nếu hợp ý nhau, muốn tổ chức đám cưới tại nơi ở trọ thì vợ chồng ông Hồng sẽ thay mặt gia đình họ lo luôn chuyện cưới xin, tiệc tùng.

Cách đây hơn 1 tháng, anh Phúc (quê tỉnh Bình Thuận) bị tai nạn đột ngột qua đời, bỏ lại người vợ trẻ Nguyễn Thị Mỹ Lệ đang mang thai ở một mình nơi nhà trọ. Thương cho hoàn cảnh chị Lệ, vợ chồng ông Hồng ngoài việc hỗ trợ tiền còn miễn tiền phòng trọ cho chị Lệ; đồng thời đứng ra vận động các công nhân ở trọ đóng góp ít nhiều hỗ trợ cho chị nhằm thắt chặt tình nghĩa giữa các công nhân trong khu nhà trọ với nhau.

Hay trường hợp anh Nguyễn Minh Chí (quê tỉnh Bình Định) bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Biết chuyện, vợ chồng ông Hồng tức tốc tìm đến bệnh viện chăm sóc, cho anh mượn tiền điều trị thương tích. Sau mấy tháng nằm viện, vợ chồng anh Chí được vợ chồng ông Hồng miễn luôn tiền phòng trọ.

Tan ca về đến nhà, ngồi trước ghế đá trong khu nhà trọ hút điếu thuốc chờ vợ dọn cơm chiều, anh Chí tâm sự khi anh mới từ quê đến đây ở trọ và còn thất nghiệp, anh đã được ông Hồng xin cho đi làm công ty. Tùy theo trình độ, sức khỏe, độ tuổi mà những người trong khu nhà trọ như anh Chí nếu lỡ thất nghiệp đều được ông Hồng xin việc làm mới phù hợp.

Với 62 phòng trọ, 250 con người từ nhiều vùng quê khác nhau về sinh sống ở khu nhà trọ của vợ chồng ông Hồng, nhìn không khác gì một cái xóm nhỏ nơi vườn cao su có đường ray xe lửa Bắc - Nam chạy qua.

Ông Hồng cho hay khi có trường hợp vợ chồng người thuê phòng trọ đánh nhau thì ông kéo họ ra cái bàn đá ngồi để nghe ông nhắc nhở. Nếu họ bài bạc trong phòng trọ thì ông kêu Công an xã đến xử phạt cho sợ. Còn lỡ họ xích mích nhau ngoài đường, bị Công an xã phạt thì ông lại đi xin bảo lãnh về.

Tiệm tạp hóa nơi khu nhà trọ của vợ chồng ông Lê Văn Hồng luôn là chỗ quen của những người ở trọ. Bà Hương cho biết người mua thiếu hay trả tiền mặt, vợ chồng bà đều lấy giá như nhau. Bên cạnh đó, người ở trọ lỡ kẹt tiền mà ngỏ lời, bà sẵn sàng cho mượn không tính lãi. Tuy vậy, cũng có người quỵt tiền phòng, tiền mua hàng, tiền mượn và ông bà vẫn cười buồn cho qua.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo