Dù các công ty cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhưng xe ben vẫn chạy nối dài trên đường.
Bụi bặm mù mịt cùng nguy cơ tai nạn giao thông luôn thường trực khiến người dân sinh sống 2 bên đường Nguyễn Văn Lung chỉ biết than trời.
Phóng ào ào qua khu dân cư
Là tuyến đường dân sinh, đường Nguyễn Văn Lung chỉ dài hơn 1km, bề rộng chừng 5m. Dân 2 bên đường sinh sống đông đúc nên việc xe tải ben di chuyển thường xuyên thực sự là nỗi ám ảnh của mọi người. Trước đây, trong khu vực này có mỏ đá Hóa An hoạt động; mỗi đợt xe tải chạy qua người dân chỉ biết kêu trời vì khói bụi và tiếng ồn.
Từ năm 2011, khi mỏ đá ngưng hoạt động, lượng xe tải lưu thông trên đường giảm rõ rệt, chỉ còn một số doanh nghiệp sản xuất với lượng xe ít. Những tưởng người dân sớm thoát cảnh bất an thì khoảng mấy năm trở lại đây, khu vực gần mỏ đá Hóa An, một số doanh nghiệp thuê đất làm nơi trung chuyển vật liệu xây dựng, than đá khiến xe tải ra vào tăng đột biến.
Hàng ngày, từng dòng xe tải hạng nặng có trọng tải 20-30 tấn nối đuôi nhau di chuyển liên tục. Thậm chí, cả xe container, xe kéo rơ-moóc cũng chạy vào tuyến đường này để “ăn hàng”; chưa kể hàng chục chuyến xe tải 5-7 tấn cùng lưu thông thực sự khiến đường Nguyễn Văn Lung trở nên quá tải.
“Xe tải đông không thể đếm nổi, mỗi lần xe chạy bụi bay mù mịt. Đáng ngại nhất là bụi từ xe chở than độc hại bay lơ lửng trong không khí, ai ngửi phải đều sinh bệnh. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị các doanh nghiệp kinh doanh tại đây tưới nước để hạn chế bụi, nhưng không ăn thua” - ông Phạm Văn Hà (ngụ ấp Cầu Hang, xã Hóa An) bức xúc nói.
Người dân vẫn còn dựng chướng ngại vật để hạn chế xe tải ben |
Theo phản ánh của người dân, các doanh nghiệp tưới nước theo kiểu “chữa cháy” tạm thời, xoa dịu dư luận với 2-3 xe/ngày. Được một thời gian, họ chỉ còn tưới 1 xe/ngày khiến bà con thực sự bất bình.
Điều đáng nói, xe tải lưu thông liên tục với tốc độ cao, đua nhau chạy khiến người dân nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông. Không ít trường hợp, 2 xe tải ben chạy đối đầu nhau, tranh giành vượt lên “lấp” kín mặt đường, những phương tiện, như: xe máy, xe đạp không thể nào vượt lên. Đường hẹp, để tránh bị xe lớn lấn đường có thể gây tai nạn, nhiều người buộc phải nép sát mép đường mà đi.
“Đáng ngại nhất là học sinh đi học trong cảnh nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông, bởi những xe này phóng nhanh vượt ẩu vô cùng. Xe tải tung hoành đêm ngày khiến mặt đường nhiều đoạn xuống cấp, lồi lõm, hệ thống đèn chiếu sáng nhiều đoạn hư nhưng chẳng thấy ai đứng ra sửa chữa” - ông Nguyễn Văn Hiếu (ngụ ấp Cầu Hang, xã Hóa An) nói.
Người dân kêu trời
Sau nhiều năm chịu đựng, thực sự bức xúc trước việc xe tải ben lưu thông với mật độ dày đặc, nhất là xe chở đá xay, than gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông, người dân địa phương đã nhiều lần dùng vật cản ngăn không cho xe tải lưu thông qua đường Nguyễn Văn Lung.
Vào ngày 4-11, người dân dùng vật cản chặn xe buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết, khiến dòng xe nối dài trên đường gây ách tắc giao thông. Đến khi chính quyền địa phương mời các doanh nghiệp làm việc với người dân thì bà con mới chịu “giải phóng” chướng ngại vật.
Xe tải "khủng" chạy chiếm hết mặt đường |
Theo đó, từ ngày 7-11, các doanh nghiệp sẽ tăng cường phun nước để hạn chế bụi trên đường, giảm tốc độ khi lưu thông qua khu dân cư xuống 10km/giờ nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo người dân phản ảnh, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc. Xe ben vẫn chạy ồ ạt trên đường, phóng nhanh vượt ẩu. Dù đã cho xe tưới nước, nhưng không thường xuyên nên chỉ vài giờ sau bụi lại bay mù mịt. Từ đó, người dân đề nghị không cho xe chở than lưu thông qua khu vực này để đảm bảo vệ sinh môi trường. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, từ khi mỏ đá Hóa An đóng cửa, khu vực này được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai quản lý. Sau đó, 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Thuận Thành Tài, Công ty nhựa Bình An và Công ty Ôxy Đồng Nai đến thuê một phần diện tích đất của mỏ đá làm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Do việc vận chuyển đất, đá, than gây ô nhiễm môi trường, xe chạy mất an toàn giao thông nên các doanh nghiệp đồng ý bỏ chi phí tưới nước giữ vệ sinh. Sau một thời gian thực hiện, chỉ có Công ty nhựa Bình An chịu đóng phí tu sửa, duy tu đường và hỗ trợ tiền cho dân. Các bên không thống nhất như đã cam kết dẫn đến tình trạng khói bụi gây ô nhiễm và người dân lại sống trong cảnh bất an.
“Chúng tôi mong các doanh nghiệp khác cùng công ty chúng tôi hỗ trợ kinh phí, bồi thường thiệt hại cho bà con chịu ảnh hưởng. Địa phương cũng nên lập tổ tự quản để xử lý xe chạy không đúng quy định. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ người dân làm rào chắn để kiểm soát xe chạy ẩu, gây mất an toàn giao thông” - đại diện Công ty nhựa Bình An cho hay.
Chủ tịch UBND xã Hóa An Nguyễn Văn Minh cho biết thêm, sau buổi làm việc giữa người dân với các doanh nghiệp thuê đất làm trạm tập kết vật liệu xây dựng ở ấp Cầu Hang, địa phương đã yêu cầu các công ty trước khi hoạt động phải đảm bảo vấn đề môi trường, thực hiện đúng cam kết với người dân. “Các doanh nghiệp phải kiểm soát tài xế, lượng xe ra vào cần chạy đúng tốc độ, giảm lượng xe chạy ban đêm, hạn chế bóp còi xe. Doanh nghiệp nào không thực hiện nghiêm túc địa phương sẽ kiến nghị cấp trên xử lý, không cho hoạt động. Xã đã giao cho ấp giám sát, nếu thấy vi phạm hãy báo trực tiếp cho tôi” - ông Minh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lang (ngụ ấp Cầu Hang, xã Hóa An) nói: "Khi mỏ đá Hóa An còn hoạt động, doanh nghiệp đã bồi dưỡng tiền độc hại cho dân do việc khai thác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bây giờ chúng tôi cũng yêu cầu 3 công ty này phải có trách nhiệm với người dân như doanh nghiệp khai thác đá trước đây đã làm".
Bình luận (0)