Trong thế giới rộng lớn của mạng Internet tưởng gần mà quá đỗi xa xôi, nhưng vẫn có chỗ để cho những kẻ lừa tình, tiền thoải mái vùng vẫy. Giữa"con mồi" và đối tượng đôi khi hoán đổi vai cho nhau chỉ trong ranh giới mỏng manh.
Chỉ sau vài phút chuyển tài khoản Zalo chế độ từ nam sang nữ, máy điện thoại của chúng tôi đã liên tục có hàng chục tin nhắn Zalo làm quen của nam giới. Gần như tất cả, sau vài lời làm quen, chào hỏi, cuối câu chuyện là những lời "mật ngọt" của những gã trai hám của lạ rủ rê đi nhà nghỉ. Còn đối với các tài khoản Zalo là nữ, có đầy rẫy tài khoản được tạo bởi gái bán dâm, công khai “hàng” với giá cả, địa điểm, thời gian "hành động". Từ đây, những nguy cơ “tình, tiền, tù tội” hiển hiện rõ.
Bẫy tình trên Zalo
Cho đến giờ, khi Kiều Minh Đức (SN 1991, ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh) nằm gọn trong nhà tạm giữ của CAQ Cầu Giấy, Hà Nội thì chị Trần Thị Huệ ở Hà Nội dường như vẫn còn giật mình lo sợ. Cứ nghĩ đến lời đe dọa “sau khi ra tù sẽ giết chết cả nhà” của Đức, chị Huệ ăn không ngon ngủ không yên. Nguồn cơn bắt nguồn cho những lo lắng trên của chị Huệ từ chính câu chuyện làm quen qua Zalo, mà theo chị Huệ là không hề “tình cờ” chút nào của Đức cách đây vài tháng.
Đêm muộn tháng 3, khi gió mùa Đông Bắc vẫn còn thấm đẫm trên từng tán bằng lăng ngoài phố, chị Huệ theo thói quen cuộn tròn trong chăn, mở điện thoại ra đọc tin tức trước khi đi ngủ. Bỗng nhiên trên màn hình điện thoại phần mềm Zalo hiện lên một mặt cười và cái vẫy tay làm quen của một nam thanh niên. Thấy nam thanh niên kết bạn với những lời nói khá lịch sự, chị Huệ ấn vào nút đồng ý kết bạn. Cả hai “chát chít” thâu đêm cho đến khi mệt lử, chị ngủ vùi trong chăn ấm lúc nào chẳng hay.
Đức bị CAQ Cầu Giấy bắt giữ khi đang nhận tiền của chị Huệ
Sau lần đầu tiên nói chuyện ấn tượng ấy, giữa chị Huệ và nam thanh niên nọ ngày càng “hiểu” nhau hơn, đồng nghĩa với tần suất gặp nhau qua Zalo càng nhiều. Những câu chuyện không đầu, không cuối, lời lẽ ngọt như mía lùi có sức hút của thỏi nam châm cực đại kéo hai người lại gần nhau. Tình cảm nảy sinh, chị Huệ nhận lời yêu nam thanh niên qua Zalo và mơ một giấc mơ đẹp về hạnh phúc gia đình. Chị tự tin mình biết mọi thứ về người yêu nhưng có một sự thật mà vài tháng sau, chị Huệ mới tá hỏa: Giấc mơ của mình là cơn ác mộng hãi hùng. Người đàn ông mà chị trao tình cảm đó lại là một đối tượng lừa đảo đê tiện không hơn, không kém.
Ngày 30-9, sau bao lần hò hẹn, Đức lên Hà Nội chơi với chị Huệ. Sau khi dắt nhau đi xem phim, ăn uống, Đức mượn của chị Huệ chiếc xe máy Honda Lead, với lý do đi giải quyết công việc cá nhân rồi sẽ trả lại ngay. Tin lời bạn trai, chị Huệ mang chiếc xe của mình cho Đức mượn. Nhận được xe, Đức phóng thẳng một mạch lên TP Bắc Giang đưa vào hiệu cầm đồ lấy hơn 6 triệu đồng ăn tiêu hết. Khi bị chị Huệ đòi xe, không những không trả, Đức còn hiện nguyên hình là kẻ lừa đảo, ép chị Huệ phải đưa 7 triệu đồng cho mình nếu muốn được yên thân. Đối tượng đe dọa nếu không nghe theo lời mình, sẽ “hạ nhục” chị Huệ trước bạn bè, cơ quan nơi chị đang công tác.
Nói là làm, Đức mạo danh phóng viên một cơ quan báo chí gọi điện thoại đến cho bạn bè của chị Huệ, nơi chị đang công tác để đe dọa. Quá sợ hãi, chị Huệ đã phải trình báo CAQ Cầu Giấy. Chỉ ít giờ sau khi đe dọa bạn gái, Đức đã bị tóm gọn khi đang nhận số tiền từ tay chị Huệ ở địa bàn huyện Sóc Sơn. Tại CAQ Cầu Giấy, Đức khai nhận thường vào tài khoản Zalo “rắc thính” nhằm mục đích lừa tình, tiền của các cô gái nhẹ dạ. Nếu cô gái nào cảm thấy vừa “ăn” được vừa lấy được tài sản, Đức sẽ đe dọa để cưỡng đoạt tài sản phục vụ cho mục đích ăn tiêu cá nhân.
Đừng để mất cả tình lẫn tiền
Câu chuyện của chị Huệ ở trên có lẽ vẫn còn may mắn khi tính mạng của nạn nhân không bị xâm hại. Dẫu vậy, sự việc qua đi có lẽ còn rất lâu nữa chị Huệ mới có thể quên được, bởi những ký ức theo chị là quá hãi hùng vẫn còn ám ảnh hằng đêm. Lo sợ không kém chị Huệ là chị Hoa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Không giống chị Huệ, hoàn cảnh gia đình ở quê nhà quá khó khăn, khiến người con gái này phải nhắm mắt đưa chân làm cái việc mà thiên hạ chê cười. Chị Hoa đăng ảnh của mình lên Zalo mời gọi khách mua dâm.
Giữa tháng 10, khi đang ngồi trong phòng trọ, Zalo trong máy điện thoại của chị Hoa rung lên tin nhắn của một gã đàn ông thèm của lạ. Nhanh chóng chốt giá cả, chị Hoa và nam thanh niên thống nhất bến đáp là một nhà nghỉ nằm trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Chỉ ít phút sau, hai người gặp gỡ nhau trong căn phòng này. Sau khi quan hệ tình dục, lợi dụng lúc chị Hoa vào nhà vệ sinh, đối tượng rút ngay dao, dây trói khống chế, cướp tài sản của cô gái này bán dâm. Bị chị Hoa la hét chống cự, đối tượng dùng dao cứa vào cổ chị Hoa rồi bỏ chạy. Ít giờ sau, đối tượng gây án đã bị Đội CSHS, CAQ Cầu Giấy và CAP Mai Dịch bắt giữ.
Không ít đối tượng nữ lừa đảo chọn mạng xã hội để mồi chài, gây án đối với những quý ông háo sắc, ham của lạ như Đỗ Thị Trúc Ly
Trong vụ việc trên, nếu như gái bán dâm là nạn nhân thì ở nhiều câu chuyện khác, chính những gã đàn ông ham của lạ lại là "con mồi". Cao thủ trong số đó là Đỗ Thị Trúc Ly (SN 1991, ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng loạt kẻ háo sắc.
Lợi dụng nhan sắc trời phú hơn người, Đỗ Thị Trúc Ly đăng hình ảnh của bản thân lên tài khoản Zalo rồi mời kết bạn, nhắn tin làm quen các tài khoản là nam giới khác. Sau đó, Ly chủ động mời họ đi ăn uống, hát karaoke, rồi vờ mượn xe máy đi công việc để bỏ trốn. Có trường hợp, nghi phạm chủ động rủ nạn nhân vào nhà trọ ngủ qua đêm, lợi dụng lúc sơ hở chiếm đoạt tiền, điện thoại…
Quá trình điều tra, ban chuyên án đã bắt khẩn cấp Đỗ Thị Trúc Ly khi đối tượng đang trú tại một khách sạn ở TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tại cơ quan điều tra Ly khai nhận đã thực hiện trót lọt 23 vụ lừa đảo và trộm cắp tài sản trên các địa bàn tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh An Giang, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, TP.HCM. Tổng tài sản Ly chiếm đoạt của các nạn nhân lên đến hơn 500 triệu đồng, sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy, Hà Nội cảnh báo: "Mạng xã hội hiện nay rất phát triển, khiến cho tính kết nối giữa các cá nhân ngày càng nhanh, không khoảng cách. Bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, có không ít những đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng sử dụng mạng Zalo để làm quen với phụ nữ hòng mục đích lừa cả tình lẫn tiền. Cũng có không ít các đối tượng nữ lợi dụng Zalo để “đánh” ngược lại đám đàn ông háo sắc, thích của lạ. Ranh giới giữa bị hại và "con mồi" trong những trường hợp này rất mong manh, dễ hoán đổi bởi mục đích ban đầu của đối tượng rất đen tối".
Cũng theo chỉ huy CAQ Cầu Giấy, ngoài những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản có liên quan đến việc sử dụng mạng Zalo, mới đây, CAQ Cầu Giấy còn bắt giữ một đối tượng lợi dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức vận chuyển hàng thuê. Ngoài ra, còn những nguy cơ khác, đối tượng sử dụng sim rác lợi dụng hệ thống mạng internet gọi Grap, Uber để điều “xe ôm” đến chỗ vắng lợi dụng cướp tài sản... đã xảy ra, đang cảnh báo mọi người dân nâng cao cảnh giác với loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao để phạm tội.
Bình luận (0)