xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lời nguyền trên đỉnh Zi’liêng ở Quảng Nam

Theo Báo Lao Động

Hàng trăm năm qua, bằng lời nguyền, người Cơ Tu ở Tây Giang (Quảng Nam) đã bảo vệ được cánh rừng pơmu nghìn năm tuổi của mình

Huyện Tây Giang vừa đón một đoàn chuyên gia làm du lịch cộng đồng từ Hà Nội vào thực hiện chuyến thám sát khu rừng pơmu cổ thụ nằm trên đỉnh Zi’liêng của huyện Axan để bàn phương cách phát triển du lịch bền vững ở khu vực quan trọng và khá nhạy cảm này.

Có lẽ vì tính chất quan trọng của vấn đề nên đích thân Bí thư Huyện uỷ Bh’riu Liếc, Chủ tịch UBND Huyện Bhling Mia, và cả hai Phó Chủ tịch UBND huyện là Arất Blúi và Lê Hoàng Linh đều cùng tham dự buổi tiếp, làm việc với đoàn.

Những chúa tể rừng xanh

Hôm sau, Bí thư Huyện uỷ Bh’riu Liếc chỉ định hai đồng chí Phó chủ tịch Arất Blúi và Lê Hoàng Linh, cùng mấy anh em phụ trách bên mảng du lịch của Huyện tháp tùng đoàn đi vào rừng. Ngay trước giờ lên đường, anh Lê Hoàng Linh gọi điện cho chúng tôi báo không đi được với đoàn vì phải sang Nam Giang gấp để phối hợp điều tra vụ phá rừng ở huyện bạn. Tình hình nghe đâu rất căng vì cơ quan chức năng bên ấy vừa bắt được một nhóm lâm tặc cùng mấy chục khối gỗ lim xanh quý hiếm bị đốn chặt tại khu vực rừng đặc dụng giáp ranh giữa Nam Giang và Tây Giang. Tin dữ loan ra như bao trùm cả bầu không khí hồ hởi của chuyến đi.

Lời nguyền trên đỉnh Zi’liêng ở Quảng Nam - Ảnh 1.

Một chiếc hang được hình thành nên từ bộ rễ khổng lồ của cây pơmu cổ. Ảnh: Thuận Quảng

Trời nắng nóng như đổ lửa, những con đường đỏ quạch bụi mù trời. Từ ngoài cửa rừng, đoạn tính từ Trạm bảo vệ rừng Bắc Sông Bung vào tới vùng lõi rừng pơmu chưa đến 6 cây số nhưng rất khó đi. Đường dốc quanh co, gập ghềnh trơn trượt do dính phải trận mưa rừng vào chiều hôm trước. Ba chiếc xe 7 chỗ loại hai cầu gầm rít như những con quái thú đánh vật với từng mét đường. Có những đoạn xe bị pa-ti-nê, bánh quay tít, khói mù khét lẹt, anh em phải xuống giảm tải xe mới ì ạch thoát ra được.

Sau gần một tiếng đồng hồ đánh vật với con đường giời đày, cuối cùng chúng tôi cũng vào được tới khu nhà gươl nằm dưới chân đỉnh Zi’liêng. Mới 3 giờ chiều mà trời trong rừng đã âm u như 5 - 6 giờ chiều ở ngoài thị trấn.

Lời nguyền trên đỉnh Zi’liêng ở Quảng Nam - Ảnh 2.

Gốc pơmu khổng lồ có hình dáng như một con hổ đang thu mình ngồi im với vẻ mặt đầy bí hiểm. Ảnh: Thuận Quảng


Tạm nghỉ ngơi một lúc, anh em lại khẩn trương khăn gói vượt dốc vào rừng pơmu. Đường vào rừng không xa nhưng khó đi vì phải leo theo đường mòn và dốc. Càng vào sâu cây rừng càng lớn, ánh sáng càng tối dần. Có những đoạn cây ken dày phải vạch lá mới đi được. Dưới chân thảm lá rừng dày cộm, có chỗ ước chừng đến mấy chục phân, nên bước đi thấy bồng bềnh êm như đi trên tấm đệm mút khổng lồ.

Sau một hồi phì phò leo núi mệt tưởng đứt hơi, cuối cùng chúng tôi cũng tới được vùng lõi rừng pơmu. Ngay lập tức, một cảm giác choáng ngợp đến ngây ngất ùa đến khiến cho ai nấy như quên hết mệt mỏi sau chặng đường rừng. Chen giữa đám rừng già là những cây pơmu khổng lồ, sần sùi, thô ráp và thẳng tắp. Những cây pơmu như chúa tể của rừng xanh, hùng vĩ và kiêu hãnh vươn lên cao vút chiếm lĩnh lấy tầng cao nhất của tán rừng già, khiến cho người ta có cảm giác như ở đó nó là độc tôn, là số một, là vô đối... vì không một loài cây nào có thể vượt qua được chúng từ chiều cao cho đến kích cỡ.

Dưới ánh sáng âm u, huyền hoặc của rừng chiều, những gốc cây pơmu cổ hiện lên với đủ dáng vẻ lạ kỳ. Có gốc trông giống như con rồng cuộn mình nằm mai phục dưới đám lá; có gốc lại giống như hình một con hổ thu mình ngồi im nhìn đám người lạ chúng tôi với vẻ dò xét đầy bí hiểm; hoặc có gốc phình to như bộ ngực của người đàn bà; thậm chí có gốc với bộ rễ khổng lồ nổi vồng lên mặt đất tạo thành một cái hang lộ thiên đủ sức chứa được cả chục người...

Anh Võ Đức Hiếu, trưởng đoàn khảo sát du lịch cộng đồng, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian rất am hiểu về văn hoá, tập tục các dân tộc vùng cao cho biết, anh đi nhiều nhưng chưa ở đâu rừng cho anh cái cảm giác kỳ lạ như ở đây.

“Cây sống cả nghìn năm như thành tinh, nên thần khí rất thiêng và rất bí ẩn mà con người không lý giải được”, anh Hiếu thì thầm ghé tai tôi nói.

Pơloong Plênh, cậu cán bộ trẻ làm văn hoá người Cơ Tu kể rằng, người Cơtu có tập tục cúng thần rừng, coi cây pơmu như thần, nghiêm cấm phá rừng chặt cây, ai phạm luật sẽ bị làng phạt rất nặng. Luật ấy xưa nay chưa ai phạm phải, nhờ đó mà rừng được giữ nguyên cho đến bây giờ. Như để chứng minh thêm cho lời nói của mình, Pơloong Plênh dẫn chúng tôi đến ngôi miếu thờ thần rừng dựng ngay trong cánh rừng pơmu cổ. Đó là một ngôi miếu nhỏ dựng bằng lá, xung quanh miếu có các đồ tế khí đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Pơloong Plênh cho biết thêm, vào những dịp cúng rừng đồng bào thường dắt theo một con dê sống vào để hiến sinh.

Lời nguyền trên đỉnh Zi’liêng ở Quảng Nam - Ảnh 3.

Cây pơmu được đặt tên Rồng có chu vi gốc 6 - 7 người ôm. Ảnh: Thuận Quảng

Bảo vệ di sản của tổ tiên

Ở Việt Nam rừng pơmu có nhiều, nhưng hiếm và đặc biệt như ở Tây Giang có lẽ chỉ có một. Thậm chí giới nghiên cứu còn đánh giá rừng pơmu cổ của Tây Giang là một trong những quần thể rừng pơmu lớn nhất, có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á. Tại đây, trên đỉnh Zi’liêng nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, với diện tích khoảng 450ha là cả một quần thể pơmu cổ với khoảng hơn 2.000 cây, trong đó có 725 cây đã được công nhận là Cây di sản. Ngoài ra, trong rừng hiện còn khoảng gần 80 cây pơmu bị sét đánh hoặc do gió bão, già nua mà chết đổ xuống còn nằm nguyên tại chỗ. Nhiều cây sau cả trăm năm phơi sương gió bị mục nát, chỉ còn lại phần lõi rắn như thép và phủ đầy rêu xanh trông rất kỳ lạ.

Từ nhiều năm trước, ngay sau khi phát hiện ra khu rừng pơmu cổ, chính quyền Tây Giang đã nhanh chóng vào cuộc khảo sát, kiểm đếm, kể cả việc nhờ các chuyên gia, nhà khoa học của Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp từ Hà Nội vào khoan thân xác định độ tuổi của cây, đánh số và xác định toạ độ GPS của từng cây để lập hồ sơ tiện theo dõi, quản lý.

Lời nguyền trên đỉnh Zi’liêng ở Quảng Nam - Ảnh 4.

Lớp vỏ sần sùi và dáng đứng thẳng tắp đầy đặc trưng của loài pơmu cổ. Ảnh: Thuận Quảng

Phó chủ tịch Huyện Tây Giang ARất Blúi cho biết, Tây Giang có câu: “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”. Công tác bảo vệ rừng ở đây được tiến hành rất nghiêm ngặt. Chính quyền và nhân dân Tây Giang quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ rừng, bảo vệ cho được “vương quốc” pơmu cổ quý hiếm của mình. Từ nhiều năm nay, ngoài việc thành lập các tổ đội bảo vệ rừng, chính quyền Huyện Tây Giang còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đến từng người dân. Bà con dân bản, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu, những người có cuộc sống gắn bó mật thiết với rừng, có ý thức bảo vệ rừng rất cao. Được chính quyền vận động, nhiều người tự giác nộp hết cưa máy cho cán bộ thôn bản, khi nào cần dùng thì lên mượn và phải khai báo rõ lý do, ký vào biên bản hẳn hoi. Nhờ đó mà nhiều năm qua trên địa bàn không có một cây pơmu nào bị đốn hạ, kể cả những cây, cành gãy đổ đã lâu năm vẫn không bị đụng đến.

Hiện nay, trước vấn nạn phá rừng, đặc biệt là sau sự việc rừng pơmu của huyện Nam Giang bên cạnh bị tàn phá nghiêm trọng, lãnh đạo huyện Tây Giang đã quyết liệt tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt chú trọng đến rừng pơmu; giao nhiệm vụ, phương hướng cũng như gắn trách nhiệm cụ thể cho từng ban quản lý, hạt kiểm lâm, các tổ đội, người dân tham gia bảo vệ rừng.

Lời nguyền trên đỉnh Zi’liêng ở Quảng Nam - Ảnh 5.

Một trong số gần 80 cây pơmu bị gãy đổ hiện vẫn được bảo quản nguyên trạng ngay trong vùng lõi. Ảnh: Thuận Quảng


Qua trao đổi với ban lãnh đạo Tây Giang, từ Bí thư Huyện uỷ Bh’riu Liếc cho đến Chủ tịch UBND huyện Bhling Mia, những người có công rất lớn trong việc khám phá ra rừng pơmu quý giá này, hầu như ai cũng thấy được ở các anh sự trân quý đối với nguồn di sản vô giá của đồng bào mình. Thế nhưng, trong nỗi khát khao bảo vệ rừng, bảo vệ di sản của tổ tiên của mình, dường như trong lòng họ cũng bắt đầu dấy lên sự lo lắng, thậm chí bất an trước vấn nạn phá rừng đang diễn ra ngày càng công khai, manh động và có quy mô lan rộng như hiện nay. Và có lẽ, dẫu không nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu, lời nguyền trên đỉnh Zi’liêng ngày nào của người Cơ Tu đang phải đối đầu với những kẻ “ăn của rừng” không biết “rưng rưng nước mắt”.

Pơmu có tên khoa học là fokienia hodginsii (dunn), thuộc họ hoàng đàn (cupressaceae), gỗ được xếp vào nhóm A2 quý hiếm. Theo số liệu điều tra khảo sát của Huyện Tây Giang, quần thể pơmu cổ đã được kiểm đếm, đánh số và toạ độ GPS có tổng số 2.011 cây, được phân bố trên diện tích 450ha ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, tập trung tại địa bàn hai xã Tr’hy và Axan (thuộc huyện Tây Giang). Trong đó hiện có 725 cây đã được công nhận là Cây di sản. Đây là những cây có độ tuổi từ 250 năm đến trên 1.000 năm. Cây lớn nhất có đường kính 3,5m, chu vi thân 11m, chiều cao dưới tán gần 20m và có độ tuổi 1.328 năm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo