Những năm gần đây lượng người câu cá biển ở Thị xã La Gi ngày càng đông. Câu để tiêu khiển, để cải thiện kinh tế gia đình. Không chính thức, nhưng vẫn có hội những người câu cá, họ thường xuyên gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm câu cá, thông báo cho nhau về con nước, thời điểm cá xuất hiện ăn dày, ăn thưa, chia sẻ cho nhau niềm vui, nỗi buồn. Dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, người vào nghề câu cá biển đều phải có sự đam mê, kiên trì, nếu không, một vài lần câu không được cá, nản chí dễ bỏ cuộc.
Câu cá biển ở Thị xã La Gi (Bình Thuận)
Nghề chơi khá tốn kém
Vùng biển La Gi có mấy điểm câu rất lý tưởng được giới sành câu liệt kê như sau: Câu cá vượt, câu cá dứa đến bờ kè Phước Lộc; câu cá đuối về mũi đá Tân Phước; cá đục, cá hanh câu ở Đồi Dương, bãi biển Cam Bình hoặc Ngảnh Tam Tân.
Theo lời Nguyễn Tuấn, một thợ câu khá chuyên nghiệp ở phường Tân An, nói: Cần câu ngoại loại đã qua tay giá trên 2 triệu đồng. Hàng Trung Quốc giá tuy rẻ nhưng xài không bền. Câu cá biển là phải chơi đồ xịn, có đắt chút nhưng chắc ăn, gặp con cá lớn mà đụng cước dỏm, lưỡi dỏm, dễ bị đứt cước, bung lưỡi, tiếc lắm! Thế nhưng đâu đã đủ, thêm dụng cụ đựng mồi, thùng ô xy hẳn hoi.
Chả là cá biển thích ăn mồi sống, để giữ được con tôm sống làm mồi câu, duy nhất chỉ có nhốt chúng vào thùng ôxy. Tuấn kể với tôi: Có hôm ghiền câu quá, chạy quanh thị xã La Gi tìm mua tôm sống không ra, hắn ta thẳng xe xuống Bình Châu - Xuyên Mộc tìm mua cho được tôm...", Nguyễn Tuấn lý giải.
Tốn bộn trong “nghề chơi” này phải kể đến Nguyễn Hữu Nga, mới vào nghề vài năm nay. Đồ nghề của Nga không thiếu thứ gì, đến cái xe honda, cũng hàn, chế cho được cái thùng to đùng để chứa dụng cụ. Còn Ngô Hữu Nhớn cũng tay mê câu có cỡ, làm lụng suốt ngày, nhưng rảnh tay, cho dù đêm hôm mưa gió, nghe ai đó điện báo cá ăn dày là vác cần lên xe phóng tuốt.
Hôm Nhớn câu được con cá đuối 7 kg đem về nhà vợ giận không ngó ngàng, anh lủi thủi một mình làm cá, cắt chia từng phần cho vào túi ni lon ướp lạnh, sáng mai mang cho bạn bè ăn lấy thảo. Vậy đó, ghiền câu là thế, có bán buôn gì. Nhớn khoe với tôi: “Mê lắm anh ơi, cá mà dính câu cái cần nó cứ giật cong liên hồi trông sướng thiệt, cá đuối cỡ 5 - 7 kg dìu được vào bờ là cả kỳ công, lơ mơ nó phựt cái… lưỡi, chì, cước đều đi toi, về nhà nằm mơ còn thấy tiếc”.
Miệt mài với cần câu
Thời gian câu cá có khi cả ngày, có khi suốt đêm, đảm bảo người không có sức khỏe tốt không theo được, câu ngày thì nắng cháy da, câu đêm lạnh buốt xương.
La Gi có nhiều người nổi tiếng sát cá, thường câu được cá lớn trên 10 kg như anh Lê Văn Dũng, anh Ngô Thanh Hồng... Còn nghiện câu, nhiệt tình câu, nhiệt tình với chiến hữu có anh Ngô Hữu Nhớn, anh Nguyễn Hữu Nga, hưu trí mê câu có anh Khôi, thầy giáo mê câu có thầy Thảo. Sơ bộ vậy, liệt kê ra hết danh sách dài cả trung đội.
Trong các loài cá câu được ở biển La Gi, dễ câu nhất là cá đục, cá hanh, cá căn, loài cá này hỗn ăn, nhỏ con nên câu kéo tương đối đơn giản. Cá khó câu nhất là cá đuối, nhất là những con đuối lớn 5 - 7 kg, không có kỹ thuật kéo, không biết cách xử lý, đứt lưỡi, đứt cước là chuyện thường.
Cá đuối khi dính câu bị kéo, với thân hình dẹp to bè, đuôi dài có gai, chúng sẽ bám chặt vào đất đá dưới biển, nếu người câu cố sức sẽ đứt ngay, tốt nhất cứ buông cước một đoạn rồi mới kéo, động tác này phải lặp đi, lặp lại nhiều lần, đến khi cá đã thấm mệt mới kéo vào.
Nhưng đừng vội kéo hẳn cá lên bờ, con cá đuối mà vung đuôi quất một cái người câu sẽ bị thương ngay, cứ để nó nằm yên dưới nước dùng lao đâm vào thân cá, rồi mới lôi cá lên bờ. Đối với cá vượt, cá dồ, tuy chúng không bám đất nhưng sức mạnh chúng cũng ghê gớm. Với những con trên 10 kg chúng có thể lôi cả người câu. Cá chình câu cũng rất khó, thợ câu phải sử dụng dây thép chuyên dùng, loại cá này có cú vặn mình tháo lưỡi rất tài.
Bình luận (0)