7 giờ sáng hằng ngày, anh Nguyễn Văn Nghĩa (33 tuổi, thôn Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) cùng với bốn ngư dân trong thôn mang theo mì tôm, vài chai nước ngọt lên thuyền bắt đầu chuyến đi lặn bắt tôm hùm con.
Từ cảng Chân Mây, chiếc ghe dài khoảng 15 m, rộng 2,5 m vượt sóng gần 30 phút để đến nơi đánh bắt.
Chờ lúc nước biển trong, anh Nghĩa cùng bạn nghề chuẩn bị ống khí, quần áo người nhái để bắt đầu lặn. Họ mặc thêm áo mưa bên trong quần áo người nhái nhằm giữ ấm dưới đáy biển.
Sau khi buộc ống khí vào khoanh chì nặng hơn 10kg đeo vào bụng, anh Nghĩa cùng ba người trên thuyền lần lượt nhảy xuống biển.
| |
Lặn sâu 10-15 mét |
Ngồi trên thuyền hướng ánh mắt về các ống dẫn khí, anh Nguyễn Văn An (40 tuổi, thôn Phú Hải 1, người được giao nhiệm vụ lo máy nổ) cho biết, muốn bắt được tôm hùm thì phải lặn sâu 10-15 mét, vì vậy việc duy trì máy ống khí cung cấp cho người lặn rất quan trọng.
“Nhiều lúc anh em chui vào các hốc đá dưới đáy biển để tìm bắt tôm hùm, nếu máy nổ có sự cố đột ngột thì người trên thuyền phải quay máy thật nhanh để khởi động lại, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bạn nghề. Khi không khắc phục được sự cố, thợ lặn sẽ giật dây ống khí để người trên thuyền biết kéo lên ngay” anh An nói.
Sau gần một tiếng lặn dưới đáy biển, anh Trần Minh Đông (27 tuổi, thôn Phú Hải 1) ngoi lên mặt nước với một chai đầy tôm hùm con.
Anh Đông cho biết, từ tháng một đến tháng bảy âm lịch là thời gian họ đi lặn biển. Theo anh, tôm hùm thường trú trong các hốc đá, anh và bạn nghề phải lặn sâu, dùng tuốc nơ vít mang theo để moi tôm hùm ra rồi bỏ vào chai nhựa.
"Lặn một lúc, thấy tôm hùm đầy chai nhựa hoặc khu vực lặn không có tôm sinh sống thì ngoi lên mặt nước. Mỗi ngày, chúng tôi lặn tổng cộng khoảng 10 tiếng, ban ngày thì bắt tôm hùm con, ban đêm bắt con to”, anh Đông chia sẻ.
| |
Mỗi ngày ngư dân kiếm tiền triệu từ đánh bắt tôm hùm |
Gần 20 năm đi biển, anh Nguyễn Văn Nghĩa cho hay nghề lặn bắt tôm hùm chỉ sơ ý một chút thì có thể bỏ mạng dưới đáy biển.
"Mấy năm trước, trong thôn có anh Hiền cũng hành nghề như chúng tôi. Trong một lần xuống biển, do gặp sự cố không kịp xử lý, khi được đưa lên thuyền thì người anh đã tím tái, không cử động được. Sau tai nạn đó, anh Hiền bị liệt toàn thân", anh Nghĩa nói.
| |
Theo anh Nghĩa, tôm hùm con có nhiều loại, trong đó tôm hùm xanh được thương lái thu mua 40.000 đồng mỗi con, tôm hùm bông có giá cao nhất với 200.000 đồng mỗi con. |
Gần nửa ngày quần thảo dưới đáy biển, các ngư dân trở lại bờ với hàng trăm con tôm hùm con trong các chai nhựa. Họ gọi cho thương lái đến đợi, thu mua ngay tại cảng Chân Mây. Mỗi chuyến đánh bắt, trung bình một ngư dân kiếm cả triệu đồng từ tiền bán tôm hùm con.
Ông Nguyễn Ngọc Chính (trưởng thôn Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) cho biết toàn thôn có 300 hộ, trong đó 200 hộ làm nghề biển nhưng chỉ 15-20 người bắt tôm hùm. Tôm hùm con được người dân trong thôn bán cho thương lái xuất vào Khánh Hòa, Phú Yên nuôi tiếp, chờ lớn bán cho nhà hàng. |
Bình luận (0)