Ở đó, tất cả nhân viên đều không thể nói, không thể nghe. Âm thanh vang lên chỉ là tiếng máy sấy đều đều và tiếng kéo kêu lách cách. Đó cũng là nơi chàng trai câm điếc bẩm sinh Nguyễn Thái Thành đang ngày ngày nuôi dưỡng quyết tâm: trở thành một nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng.
Giấc mơ của anh “thợ vườn”
Chiều cuối tuần, tiệm tóc Thành Nguyễn nhộn nhịp hơn ngày thường. Mỗi lần khách bước vào, lập tức có một nhân viên chạy ra chào đón với nụ cười niềm nở và tập giấy bút. Khách ghi yêu cầu của mình đưa cho ông chủ Thái Thành, cũng có người chọn sẵn kiểu tóc trên mạng và đưa cho anh xem. Có khách muốn làm tóc ngắn như mẫu ảnh, Thành lại hí húi viết ra giấy, tư vấn cho khách rằng khuôn mặt của mình hơi vuông so với mẫu ảnh nên sẽ phải điều chỉnh kiểu tóc để gương mặt thon gọn hơn. Khách vui vẻ gật gù, ông chủ bắt đầu múa kéo…
Buổi trò chuyện của tôi với Thái Thành bị ngắt quãng liên tục như thế. Bởi ai đến cũng muốn được chính tay ông chủ tiệm chăm sóc cho mái tóc của mình. Đã thế 7 năm nay rồi.
Sinh năm 1991, tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Bắc Giang, cậu bé trắng trẻo, bụ bẫm Nguyễn Thái Thành cũng giống như bao đứa bé khác. Cho đến năm lên 3, khi thấy Thành không nói cũng không có phản xạ với âm thanh, bố mẹ đưa đi khám mới hay tin “sét đánh”: Thành bị câm điếc bẩm sinh. Bao năm ròng rã chạy chữa khắp nơi, nhưng đều không kết quả. Năm 14 tuổi, gia đình quyết định đưa Thành xuống Hà Nội xin học tại Trường Dạy trẻ câm điếc Nhân Chính.
Tốt nghiệp, Thành được gia đình hướng cho đi học nghề nấu ăn nhưng được một thời gian Thành bỏ vì không thích. Lại đi học tiếp nghề may mặc nhưng cũng chỉ được 1 tháng là nghỉ vì thấy không phù hợp. Rồi một lần đi cắt tóc, nhìn ông thợ múa kéo, Thành bị mê. Về nhà, anh chàng nằng nặc đòi bố đưa đi học tạo mẫu tóc. Tuy nhiên, sau mấy tháng trời ròng rã gõ cửa hàng trăm cửa hàng cắt tóc ở Hà Nội nhưng không đâu dám nhận một học viên câm điếc, Thành ngậm ngùi về quê. Bố xin cho Thành đi phụ việc ở quán cắt tóc đầu làng. Quán bé bé nhưng cũng khiến Thành phấn khích. Không nói, không nghe được, Thành chăm chú quan sát tỉ mỉ cách thầy làm, đêm về lại lôi ma-nơ-canh ra làm thử. Nhiều hôm háo hức lọ mọ đến 2-3h sáng.
Dần dần, anh chàng bắt đầu cắt tóc thử nghiệm cho họ hàng, người thân trong gia đình và ghi nhớ từng lời khuyên, góp ý. Khi mũi kéo đã “ngọt” hơn, Thành đạp xe ngày ngày đi khắp làng cắt tóc miễn phí cho bà con. Khách ban đầu chỉ là các ông già và trẻ nhỏ, rồi dần dần có cả khách nữ gửi gắm tin tưởng vào chàng trai câm điếc. Sau 3 năm cắt tóc dạo miễn phí ở làng, Thành quyết định lên Hà Nội tiếp tục đi học nâng cao tay nghề. Lần này trở lại, với chút kinh nghiệm trong tay, Thành cũng xin được học ở một salon tóc lớn trên phố Khâm Thiên. Nhờ cần cù, chăm chỉ, từ thợ phụ dần dần Thành được chuyển lên làm thợ chính và có một lượng khách quen của riêng mình.
Với mong muốn học hỏi được nhiều phong cách, Thành còn xin đi làm không lương ở 2 tiệm tóc nữa. Năm 2010, Thành tham gia cuộc thi 1.000 năm tóc và giành giải triển vọng. Chưa thoả mãn ở đó, Thành quyết định vào TPHCM học thêm nghề một cách chuyên sâu. Tại đây, anh tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng tạo mẫu tóc ở TPHCM và giành giải Đặc biệt là một suất du học ở Singapore nhưng Thành đã từ chối vì muốn có thời gian phát triển sự nghiệp riêng.
Sau mấy năm đi làm gom góp, cộng với vay thêm bố mẹ, Thành quyết định mở hiệu tóc riêng. Cửa hàng nhỏ chỉ mười mấy mét vuông với 3 cái gương, 3 cái ghế, vừa cắt tóc vừa làm chỗ ăn ở của Thành. Toàn bộ tường vôi ẩm mốc cũ kỹ được Thành “phù phép” bằng cách in ảnh đen trắng của khách hàng dán kín 4 bức tường. Thành nhận thêm học viên câm điếc về dạy nghề và phụ việc. Ban đầu khách hàng chủ yếu là người quen và cộng đồng người điếc, sau, cứ qua sự giới thiệu của mọi người, khách hàng đến nhiều hơn. Dường như, ông trời lấy đi đôi tai nhưng lại bù cho Thành đôi tay cầm kéo khéo léo, sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của một chuyên gia làm đẹp.
Khách hàng của Thành cũng ngày càng phong phú hơn, từ những người dân bình dị trong ngõ đến những khách hàng VIP như Á hậu Thuỵ Vân, ca sĩ Thái Thuỳ Linh, người mẫu ảnh Hoài Anh và nhiều hotgirl Hà thành nữa. Khách hàng đến cắt tóc ưng ý lại giới thiệu cho bạn bè tìm đến. Tiệm cắt tóc của Thành vì vậy lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Thành tích của Thành cũng ngày càng dày lên với nhiều giấy chứng nhận, bằng khen… qua các cuộc thi tạo mẫu tóc tiềm năng.
“Tôi là khách quen ở đây cũng 3-4 năm rồi. Ban đầu được người quen dẫn đến, cũng ngại vì không biết phải giao tiếp kiểu gì, nhưng thấy thái độ phục vụ ân cần, niềm nở, tôi cũng thử viết ra giấy yêu cầu của mình. Giờ thì quen rồi, mỗi lần cắt tóc tôi lại ra đây vì rất ưng ý, tôi còn học được thêm một số ký hiệu ngôn ngữ để giao tiếp cùng các cậu ấy”- chị Phương Lan (Đội Cấn, Ba Đình), khách hàng tại quán chia sẻ.
“Sứ giả” của người khiếm thính
Vừa chăm chỉ xây giấc mơ của mình nhưng Thái Thành cũng nhiệt tình hoạt động trong cộng đồng người điếc để giúp những người cùng cảnh ngộ xây giấc mơ của riêng họ.
Sau khi được Dự án Thriive cho vay vốn, Thành lấy tiền mua máy móc, sửa sang, nâng cấp dịch vụ của cửa hàng. Qua dự án, nhiều bạn câm điếc cũng biết và tìm đến Thành nhiều hơn. Người nọ bảo người kia, phụ huynh các bạn trẻ câm, điếc từ các tỉnh dắt con đến xin Thành dạy nghề. Thành cũng thường xuyên cùng Chi hội người điếc Hà Nội, Hội Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tham gia các hoạt động tình nguyện, tổ chức tặng quà cho trẻ em khuyết tật, cắt tóc miễn phí, chia sẻ về con đường mình đang đi, tiếp thêm nghị lực sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi muốn giúp họ có cơ hội học nghề để kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân, xoá đi rào cản xã hội. Tôi động viên anh em học viên ở cửa hàng phải cố gắng không ngừng, học hỏi không ngừng để chứng tỏ mình không khuyết tật mà chỉ khác biệt”- Thái Thành tâm sự.
Các học viên ở cửa hàng, sau một ngày làm việc, lại cùng nhau về nhà trọ mà Thành thuê cho. Không chỉ dạy nghề, Thành còn dạy anh em từ những việc nhỏ nhất như đi chợ, nấu cơm, rửa bát… Phần lớn các bạn trẻ câm điếc vẫn được gia đình bao bọc, chăm lo nên rất thiếu kỹ năng sống ngoài xã hội. Bởi thế, Thành dạy họ cách ứng xử, đoàn kết yêu thương nhau, dạy cách giao tiếp, làm việc với khách hàng.
“Trước khi đến đây, em không biết gì, không biết cả ngôn ngữ ký hiệu, anh Thành dạy em học cắt tóc và dạy cả ngôn ngữ ký hiệu. Mới học được một năm nhưng nhờ có ký hiệu mà em đã học được tiếng Việt. Em đã học cắt tóc nam tốt rồi và giờ sẽ học thêm cắt tóc nữ nữa để sau này có thể mở cửa hàng như anh Thành”- Lê Văn Trung (sinh năm 1999, Sầm Sơn, Thanh Hoá) cho biết.
Tính đến nay Thành đã dạy nghề miễn phí cho 7 lớp học viên bị câm điếc với số lượng hơn 50 bạn, trong đó rất nhiều bạn đã mở được cửa hàng riêng ở các tỉnh và tự lập kiếm sống, không phụ thuộc vào gia đình. “Không phải ai học xong cũng tự đứng vững mà làm nghề, với người nghe đã khó, với người điếc còn khó gấp bội và phải nỗ lực nhiều hơn. Năm 2016, sau một khoá đào tạo, tôi đã mở cơ sở 2 ở Kim Mã và giao cho một học viên thử sức quản lý. Nhưng được một thời gian, tôi đành đóng cửa vì cậu ấy có tay nghề nhưng lại không có khả năng quản lý và không biết giao lưu, giao tiếp với khách hàng. Mà tôi thì không thể một lúc ôm hai cửa hàng”- Thành kể.
Những mẩu giấy nhận xét của khách hàng được Thành giữ gìn trân trọng.
Hiện tại, Thái Thành vẫn đang tập trung đào tạo nhân lực thật vững chắc với khao khát xây dựng một chuỗi salon tóc dành cho người khiếm thính. Trong tương lai, Thành muốn đi về các địa phương để đào tạo nghề miễn phí cho người khiếm thính.
Ngoài cửa hàng tóc hiện có, Thái Thành còn mở thêm một cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm, trang sức có biểu tượng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính. Nhờ nhiệt tình, sống có đam mê và dám nghĩ dám làm, anh chàng người điếc đã ghi điểm tuyệt đối với cô nàng nghe nói bình thường - Đinh Thu Hiền, hiện công tác tại Trung tâm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và cũng là người giúp PV phiên dịch trong buổi trò chuyện với Thái Thành. Năm 2015, chàng đã nhanh chóng rước nàng về dinh. Đến nay, cả hai đã có một cậu con trai kháu khỉnh đang ở tuổi bập bẹ tập nói. Thành khoe, cuối năm nay, vợ chồng anh sẽ dọn về nhà mới, một căn hộ nhỏ xinh, ấm cúng được mua trả góp nhưng là thành quả bao năm chắt chiu, làm việc không ngừng của anh chàng người điếc đầy nghị lực.
Làm chồng, làm cha mang đến cho Thành niềm hạnh phúc to lớn nhưng cũng không khỏi áp lực. “Tôi thấy mình lớn hơn, thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn. Giờ, tôi làm việc không phải chỉ để thoả mãn giấc mơ, mà còn để nuôi sống vợ con. Tôi sẽ rèn luyện nhiều hơn để nâng cao tay nghề, để mai này lớn lên, con trai tôi có thể tự hào về bố nó”- ông bố trẻ xúc động tâm sự.
Bình luận (0)