"Thần cẩu” được dân làng thờ tự trong ngôi miếu khuất sau rặng tre già ở làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế). Ngôi miếu nằm gần con đường chính của làng, rộng khoảng 9 mét vuông, tượng “thần cẩu” ngự ở chính giữa miếu.
Theo quan sát, “thần cẩu” được thờ tự trong ngôi miếu ở xóm Hóp (làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) - cách trung tâm TP.Huế chừng 25km về phía Bắc. Quan sát bằng mắt thường, “thần cẩu” cao khoảng 70cm, bề ngang rộng khoảng 50cm, được ngồi trên bệ cao chừng 50 cm.
Mặt “thần cẩu” hướng ra đồng ruộng của làng, nơi con sông Bồ chảy qua; đuôi nằm sát lưng; mắt và miệng không còn lộ rõ, do thời gian làm hao mòn. Phía trên có khắc ba chữ Hán được dịch là "Thiên Cẩu Thần". Ngôi miếu nằm ở con đường chính của làng, miếu được xây dựng nghiêm trang.
"Thần cẩu” dáng ngồi khoan thai, với tư thế ngồi nhổm. Cổ “thần cẩu” đeo một tấm lệnh bài to bằng lòng bàn tay người lớn. Người dân tin rằng tấm bài đó chính là tín vật được Ngọc Hoàng phái xuống hạ giới để giúp dân làng.
Dân làng Bao La tôn kính “thần cẩu” đến mức nằng nặc đòi chúng tôi phải gọi là “thần cẩu” chứ không được gọi bằng tên khác.
Hằng ngày, miếu được người dân quét dọn sạch sẽ và thắp hương đều đặn vào những ngày mười bốn, ngày rằm, ngày 30 và mồng 1 (Âm lịch) hàng tháng để "thần" mang lại sự bình an cho dân làng.
Khi trong làng có lễ, người dân đều đem mâm lễ đến miếu “thần cẩu”, mâm lễ có gì thì cúng nấy như con gà, xôi, cau trầu, rượu… Những năm làng tổ chức lễ lớn, mổ heo bao giờ miếu cũng được cúng nguyên cái đầu heo.
Người dân cho biết, theo lời các cụ xưa kể lại, hơn 500 năm trước, làng xảy ra hạn hán. Họ liên tục đào giếng sâu giữa ruộng để tìm nguồn nước nhưng đào mãi vẫn không thấy mạch. Sau đó, dân làng phát hiện vật lạ dưới đáy giếng, lấy vật lạ ấy lên thì mạch nước ngầm xuất hiện. Vật lạ ấy chính là tượng "thần cẩu" bằng đá.
Thời chiến tranh, giặc Pháp càn quét về làng và ngồi lên cưỡi rồi đập phá miếu thờ "thần cẩu" làm cho bức tượng bị gãy làm đôi. Người dân thấy vậy đem "thần" vào cất giữ ở đình làng, sau đó khôi phục lại.
Miếu thờ "thần Cẩu" nằm bên con đường chính của làng..
Hỏi chuyện về “thần cẩu”, chỉ có những vị cao niên trong làng mới biết đến những câu chuyện xoay quanh bức tượng này. Bà Võ Thị Mau kể ông ngoại của bà nói rằng, cứ tối tối "thần" hiện ra to như con trâu. Toàn thân ngài màu trắng, chạy khắp làng để bảo vệ dân làng Bao La khỏi bệnh tật, xua tan tà khí và giúp đỡ người dân làm ăn thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Nùng (77 tuổi) cho biết: “Ngày còn nhỏ, lúc ấy khoảng 2 giờ sáng, tôi cùng bố đi đạp nước vào ruộng, bất chợt thấy chiếc bóng màu trắng to như con trâu. Lúc ấy tui sợ quá hỏi bố là con gì thì bố không nói. Về đến nhà bố mới thừa nhận là cũng thấy cái bóng màu trắng nhưng sợ tôi hoang mang nên giả vờ không thấy để yên tâm”.
Cụ ông Nguyễn Kỳ (84 tuổi) còn cho biết từng được nghe những câu chuyện ly kỳ về cuộc đối đầu giữa khuyển và hổ của hai làng Bao La và Hạ Lang (xã Quảng Phú).
Tượng "thần cẩu" nhìn chính diện
“Hồi xưa dân làng Hạ Lang trong nhiều năm liền gặp hỏa hoạn cháy nhà mà không biết lý do. Có những nhà bị cháy đến hai lần, có nhà vừa mới xây xong đã bị cháy. Người dân hết sức sợ hãi liền mời một vị thầy pháp về giải hạn. Thầy pháp phán rằng, những ngôi nhà này ở trước mặt “thần cẩu” làm cản trở tầm nhìn của ngài nên ngài nổi giận đốt cháy.
Sau đó, làng Hạ Lang cho xây một bức bình phong có hình con hổ lớn phía trước ngôi miếu trên đất của làng mình đối diện với miếu “thần cẩu” khoảng vài trăm mét. Kể từ đó, làng Hạ Lang được yên ổn”, cụ Nguyễn Kỳ kể.
“Thực hư câu chuyện trên như thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi hay nghe người dân kể với nhau rằng, nhiều dân làng đang làm việc ngoài đồng thì nghe thấy tiếng sủa lớn, họ sợ hãi quá nên về nhà”, ông Nùng chia sẻ thêm.
Theo dân làng Bao La, ngày xưa các cụ kể rằng, có một lần, tất cả gia súc trong làng mắc dịch bệnh. Dân làng quá sợ hãi đã đến van xin và khấn vái “thần cẩu”. Ngay đêm hôm đó, xuất hiện một con chó trắng vừa chạy vừa sủa xung quanh làng để bảo vệ đàn gia súc, hai chân trước vờn lên như đang chiến đấu với kẻ thù.
Ngay hôm sau, nạn dịch lập tức chấm dứt. Từ đó, mỗi khi làng có dịch bệnh, người dân tìm đến miếu “thần cẩu” để xin giúp đỡ. Cũng vì tin vào sự linh thiêng, cho nên đa số người dân khi đi ngang qua miếu đều thể hiện sự tôn kính, lịch sự.
Bình luận (0)