Cô sẽ mất việc. Chưa có thông báo chính thức hay tin đồn nào, nhưng cô biết mình sẽ mất việc. Có thể coi đó là cái sắc bén của một tâm hồn nhạy cảm, dù nếu cô nói mình có một tâm hồn nhạy cảm, chị em đồng nghiệp hẳn cười cô cả ngày, dẫu một ngày của họ chóng vánh lắm, còn hàng hóa thì nhiều, mấy chiếc băng chuyền chẳng lúc nào dừng lại, tuy mấy tháng nay tụi nó chạy rề rà hơn.
Tháng này, lương đến chậm mười lăm ngày. Bán nguyệt. Hình ảnh nửa vầng trăng như chiếc bánh cắn dở tỏa rạng trên suy nghĩ của cô. Tháng này lần đầu tiên sau hai năm, cô phải năn nỉ chủ trọ cho mình khất tiền nhà. Thế là điềm chẳng tốt lành gì. Cô biết sớm muộn gì mình sẽ mất việc. Cô không lo lắng mấy, cô còn trẻ, cô dễ tìm việc hơn các chị em bốn năm chục tuổi đang lấy phong bì đựng tiền lương lau nước mắt rời khỏi nhà máy.
Tuần này, lại thêm một tuần thư nhàn chẳng có tăng ca, cái nhàn ấy mới đáng sợ. Cô quyết định đi loanh quanh hoặc dạo mấy vòng trên mạng để xem có nơi nào đang cần tuyển lao động hay phục vụ gì không.
- "Nè Hoa, tối nay đi làm thêm với tao không?". Con bé làm chung nhỏ hơn Hoa hai tuổi nhưng luôn xưng mày tao với cô, đang lấy hai chân to đùng chèo chống xe máy qua dòng thác công nhân giờ tan ca.
- "Việc gì?" - cô hỏi.
Con bé móc sẵn trong túi ra xấp cạc. Hoa đọc nhanh nội dung in trên đó, thoáng chau mày rồi trả lại cho con bé.
- "Phát tờ rơi quảng cáo cho vay nặng lãi hả, tao không làm đâu. Thà làm gái chứ không làm lừa" - Hoa nói, quay đi.
Con bé rồ máy, quệt tay lái vào bắp tay Hoa, quăng lại một câu: "Mày làm gái cũng không ai thèm".
Tối về, Hoa soi mặt mình trong tấm gương treo trên bức tường phòng trọ ọp ẹp, ẩm mốc. Cô không đẹp, cô biết điều đó chứ. Tóc khô, thưa, gần như hói. Da tuy không mụn, rỗ nhưng đã sần, một vết bớt màu cánh gián ẩn dưới quai hàm. Nhưng… cũng không xấu… Cô mệt mỏi nằm ra sàn, chán ghét cái lỡ cỡ này. Phòng tối, tốt nhất đừng bật đèn. Điện tăng, mà không chỉ điện, mọi thứ cứ cao vút lên đến chóng mặt, chỉ có tiền lương là ổn định tựa hồ sự buồn khổ luôn luôn ổn định.
Chiếc điện thoại le lói sáng, rù rì kêu. Cô thấy sợ. Đời cô chưa bao giờ nhận được cuộc điện thoại tốt lành nào. Con có khỏe không? Em có cần gì không? Cô sẽ được lên trưởng ca! Không, không hề có những lời như thế. Cái điện thoại đáng nguyền rủa. Mà biết sao được… rù rì… rù rì… điện thoại vẫn đang reo.
Hoa bắc máy.
- "Có phải cô Ngọc Hóa không ạ?". Bên kia, tiếng đàn ông ngập ngừng.
- "Nhầm số rồi" - Hoa nói, dập máy. Biết ngay, cô nghĩ, cánh tay vắt ngang mặt, mệt mỏi.
Suốt dãy trọ không phát ra chút thanh âm nào. Cái đám ồn ào hay hát loa thùng vừa mất việc, đã kéo về quê hết. Hai vợ chồng cùng đứa con mới sinh oe oe khóc lóc chửi rủa nhau suốt ngày cũng không rõ đi đâu. Bên trong những căn buồng đóng cửa im lìm là một nỗi trống vắng đầy ứ đang trương nở. Không cả tiếng côn trùng kêu. Lũ bọ biết khôn đấy, ở đây chẳng có niềm vui thú nào.
Một con đom đóm lách mình qua khe cửa hẹp bay vào buồng Hoa theo một quỹ đạo lạ lùng. Nó nhấp nháy đậu trên chiếc điện thoại cà tàng như muốn hút hết chút ánh sáng điện cuối cùng ra khỏi cỗ máy.
Hoa chợt giật mình. Ngọc Hóa… Ngọc Hóa… Cô lẩm bẩm cái tên xa lạ như thầy phù thủy đọc thần chú triệu hồi ký ức trở về. Cách đây một hoặc hai, cũng có thể là ba năm chi đó. Vào một đêm hè, cô đang đứng cạnh băng chuyền trong một cuộc tăng ca dự kiến kéo dài đến nửa đêm cho kịp chuyến hàng xuất ngoại. Đôi chân Hoa tê cứng như đóng cộc xuống sàn nhà máy. Cô mệt. Bữa ăn chiều đã tiêu tan từ lâu, mất hút trong bao tử. Nhưng giờ cô cần cà phê. Hay nước ngọt. Thứ gì cũng được miễn nó trôi tuột xuống cổ chỉ bằng một hơi. Cô không có nhiều thời giờ. Và như để cho cái thời giờ ấy bị tước đoạt, bị ăn gian thêm: đột nhiên cúp điện. Đám đông rộ lên một tràng xen lẫn bực tức với vui mừng để rồi hóa thành tiếng xì xào bàn nhau không biết nên đợi hay về.
Hoa ngẩng đầu trông lên. Qua cánh cửa chớp kính, mặt trăng đầy đặn tự tại nhìn vào xưởng. Ánh sáng dìu dịu thắp mờ không gian bên trong. Hoa nhìn trăng. Và trăng cũng nhìn Hoa. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô ngắm nghía kỹ càng tạo vật đẹp đẽ ấy. Hôm nay là rằm ư? Ôi, mình còn quên cả ngày tháng. Mặt trăng kia hẳn đã ở đó rất lâu rồi, lặng lẽ, tò mò quan sát chúng mình, cái đám người miệt mài cúi mặt làm việc quên hết mọi sự trên đời để đổi lấy chút cơm rau. Trời ơi, chắc ngài thấy uổng phí lắm khi tạo tác ra một thứ kỳ diệu dường ấy mà thế gian cứ ngó lơ. Từ bao giờ con người từ bỏ thói quen ngắm trăng nhỉ? Hoa nghĩ, thế giới đáng buồn nếu không còn ai nghĩ đến chuyện ngắm trăng… Cô lấy điện thoại ra, hai ngón cái bấm liên tục trên bàn phím, nhanh đến nỗi khi điện chợt sáng trở lại thì số con chữ trên màn hình đã đủ nhiều để được gọi là một truyện ngắn. Mặt trăng đã đi chỗ khác chơi, qua ô cửa chớp kính, bầu trời đen thẳm.
Hoa bần thần không biết làm gì với "truyện ngắn" mình mới viết. Có thể gọi nó như thế chăng? Một truyện ngắn? Cô ghé hiệu sách mua vài thếp giấy màu xanh, mua thêm cây viết bi rẻ nhất. Truyện ngắn? Nó ngắn thật, dưới ngọn đèn tù mù, cô viết lại cái truyện lên giấy mà chẳng tốn bao nhiêu mực. Viết xong thì làm gì nhỉ? Cô nhớ lại trong giờ ngữ văn xa xưa, mấy nhà văn ho lao và chết sớm thường viết bài đăng báo lãnh nhuận còm sống qua bữa.
Sáng sớm hôm sau, trời chưa tỏ cô đã ghé sạp báo. Cô chẳng biết sẽ gửi báo nào, cô hỏi bà chủ sạp đang lui cui xếp chồng giấy cao ngất. Bà chủ liệt kê hàng đống cái tên. Cô không ngờ lại nhiều báo trên đời đến vậy. Nhưng truyện ngắn của cô thì chỉ có một bản chép tay. Cuối cùng, cô chọn đại một nơi rồi mua phong bì và tem ngay chỗ sạp.
- "Con quên ghi tên nè, địa chỉ nữa". Bà chủ trung niên nhắc. Nhưng bao lâu thì họ hồi âm? Lỡ như đến lúc đó cô chuyển chỗ trọ thì thế nào? Cô âu lo ghi bên lề trang giấy, cần gì thì hãy liên lạc với cô qua số điện thoại… Còn tên hay hoa mỹ gọi là bút danh, cô ghi tên mình, mà cô ghét tên mình, nó yếu đuối quá, cho nên cô tặng thêm cho cánh hoa mỏng manh ấy lưỡi kiếm, một dấu sắc chém xéo lên dứt khoát: Ngọc Hóa.
Hoa tưởng tượng vào một buổi chiều muộn có anh biên tập già dọn dẹp bàn làm việc cuối năm. Truyện ngắn của cô sẽ rơi ra từ chồng bản thảo, bồi hồi như cánh bướm nằm im trên đất. Người ấy sẽ nhặt nó lên, hồi hộp mở ra và đọc. Trời đã tối hẳn, bên ngoài tòa soạn dòng xe cộ đuổi theo nhau, băng băng lao về trước. Không ai chú ý một vầng trăng len lỏi giữa mấy tòa nhà cao tầng.
Có lẽ chỉ là một cú điện thoại từ chối, thứ cô viết đâu đáng được in, những lời nhạt nhẽo, thậm chí nó chẳng xứng được gọi là một truyện ngắn. Có lẽ họ sẽ giận dữ vì cô đã làm mất thời gian hay họ sẽ chê cười cô. Hoa không biết chuyện gì tồi tệ hơn - giận dữ hay chê cười.
Cũng có thể lá thư của cô chưa bao giờ đến nơi cần đến, nó bị lạc đâu đó trong thế giới rối rắm này và đến giờ, có người mới nhận được mà tìm trả về cho cô.
Thậm chí, người ta gọi lộn số thật.
Hoa trở mình, nắm chiếc điện thoại trong tay. Hàng triệu khả năng lướt qua tâm trí hỗn độn của cô, luồn lách giữa những âu lo về tương lai, về những khoản cần phải chi tiêu, về bản thân khi tuổi già, về cha mẹ lúc họ ốm đau, mình sẽ ở đậu thành phố này bao lâu, và mình sẽ ở đậu thế gian này bao lâu. Ngàn câu hỏi…
Cô không biết mình có nên gọi lại. Cô sợ, mà chẳng rõ mình sợ gì. Có lẽ sợ bị từ chối, sợ chỉ là một hiểu lầm, sợ trong muôn triệu khả năng chỉ ánh lên một tia hy vọng. Nhưng cả như thế đi nữa, Hoa vẫn biết mình không nên ngừng mơ tưởng, thế giới ngột ngạt thế nào nếu cả một giấc mơ cũng chẳng còn chỗ trong căn phòng nhỏ bé này.
Bỏ mặc Hoa với những bộn bề, con đom đóm nãy giờ vẫn lượn lờ tìm một lối thoát khỏi căn phòng tối. Hoa ngồi dậy, mở cửa chính cho nó bay đi theo quỹ đạo lạ kỳ, cứ nhích lên không từng chút một. Trên không đó, nguyệt cầu đang chờ đợi. Có lẽ sinh vật bé nhỏ nghĩ rằng quê hương ánh sáng của nó là mặt trăng và chỉ ở đó nó mới thoát số kiếp giống đồng loại mình - le lói trên trần gian rồi vụt tắt.
Hoa ngồi trên ngạch cửa, tự nhủ lòng hay là thôi. Cứ để số phận của tờ truyện là một bí ẩn bé nhỏ trong cuộc đời cô, như một chuyện tình thầm hay những bất công ngấm ngầm trong xí nghiệp mà cô chẳng dám báo cáo. Rồi mọi thứ sẽ trôi qua như đời cô sẽ qua.
Chuyện qua lâu rồi, giờ cô không nhớ những thứ gì đã xui cô gửi cái truyện ấy đi. Cô nhìn mặt trăng. Chắc tại nhà mi đấy! Đêm ấy cũng như đêm nay, trăng cũng thế đó. Và mi cũng như con đom đóm bé nhỏ vừa nãy cố đi tìm một chốn sáng sủa hơn. Như những nàng tiên cá thời thượng cổ, mỗi độ trăng về lại ngồi trên mỏm đá hát lời kinh ru nguyện cầu cho có ngày phép mầu xuất hiện để chiếc đuôi sẽ hóa đôi chân.
Hoa bấm gọi. Tiếng chuông đợi kéo dài. Hoa tựa đầu lên gối mình, chiếc điện thoại áp sát tai chờ đợi. Rất lâu, rất lâu, tưởng chừng vô tận. Cuối cùng, đầu dây bên kia cũng có người lên tiếng hỏi: "Ai đấy ạ?".
- "Là tôi… là tôi, Ngọc Hóa đây!".
Mặt Hoa tươi rói sau cuộc điện thoại, cô ngước nhìn về phía vầng trăng treo trên nóc một tòa cao ốc, mỉm cười nhớ cái đêm cô viết truyện, trăng cũng tròn thế đó.
Tác giả Huỳnh Trọng Khang
Tên thật Huỳnh Trọng Khang , sinh năm 1994 tại An Giang. Hiện đang sống và làm việc ở TP HCM. Kể từ tiểu thuyết đầu tay "Mộ phần tuổi trẻ" (2016), anh thử sức ở nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn; trong đó có các tiểu thuyết như "Những vọng âm nằm ngủ" (2018), tập truyện "Phật trong hẻm nhỏ" (2021)... cùng một số truyện tranh dành cho thiếu nhi.
Anh cũng là cộng tác viên thường xuyên mảng văn hóa - nghệ thuật của một số báo.
Bình luận (0)