UBND tỉnh Bình Dương đang xây dựng kế hoạch đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua 4 địa phương gồm: TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Tạo điểm nhấn cho đô thị
Tuyến đường ven sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 94 km, điểm đầu tại rạch Vĩnh Bình (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An) và điểm cuối tuyến tại thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng). Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đây là công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần chống ngập do triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bảo đảm yêu cầu thoát lũ. Đồng thời hình thành nên trục kết nối thủy - bộ dọc theo sông Sài Gòn, tăng cường kết nối kinh tế - xã hội khu vực, cải tạo cảnh quan bờ sông, chỉnh trang và tạo điểm nhấn cho đô thị.
Để đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn, Bình Dương sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp nguồn vốn đầu tư công. Theo dự kiến, trên địa bàn TP Thuận An đến năm 2030, đầu tư kết nối tuyến đường ven sông từ đường Gia Long đến rạch Bà Lụa; cải tạo đoạn tuyến từ rạch Bình Nhâm đến đường Châu Văn Tiếp và đoạn tuyến thuộc dự án cống ngăn triều Bình Nhâm; đầu tư cống kiểm soát triều rạch Vĩnh Bình - Lái Thiêu bằng nguồn vốn đầu tư công.
Đoạn qua TP Thủ Dầu Một có 2 phương án: Đến năm 2030, đầu tư kết nối các đoạn tuyến đường ven sông từ rạch Bà Lụa đến ranh khu vực phát triển đô thị Tân An bằng nguồn vốn xã hội hóa. Sau năm 2030, đầu tư đoạn tuyến từ ranh khu vực phát triển đô thị Tân An đến cầu Ông Cộ kết nối với đường ven sông địa phận Bến Cát bằng nguồn vốn đầu tư công.
Trên địa phận TP Bến Cát và huyện Dầu Tiếng, đến năm 2030, đầu tư các đoạn tuyến đường ven sông nằm trong dự án các cảng (An Tây, An Điền, Rạch Bắp, Phú Cường Thịnh, Bến Súc…), Khu Di tích địa đạo Tam Giác Sắt và những khu vực phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt, bằng nguồn vốn xã hội hóa của nhà đầu tư. Tại một số khu vực có nắn tuyến phụ ra khỏi dự án để bảo đảm quản lý vận hành cho từng dự án. Sau năm 2030, đầu tư các đoạn tuyến còn lại ngoài phạm vi dự án cảng, khu vực phát triển đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công.
Khai thác tối đa lợi thế
Để triển khai đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn, Sở Xây dựng cho rằng trước hết các địa phương có tuyến đường đi qua cần tổ chức điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu trước cuối năm 2024. Các địa phương thực hiện công bố quy hoạch và có những giải pháp bảo vệ đất thuộc tuyến đường ven sông, tránh để các công trình xây dựng trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ của tuyến đường và hành lang an toàn cầu, cống, giao thông thủy. Các địa phương xác định khu vực phát triển đô thị cập nhật vào quy hoạch và công bố danh mục những khu vực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh để kêu gọi nhà đầu tư.
Đối với những dự án cảng có tuyến đường ven sông đi qua, các địa phương xem xét thực hiện tuyến đường theo quy hoạch đô thị được duyệt hoặc bố trí quỹ đất dự trù ngoài khu vực dự án để đầu tư suốt tuyến, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của cảng nhưng vẫn bảo đảm kết nối toàn tuyến.
Ông Hà Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã An Sơn, TP Thuận An - thông tin địa phương có địa hình dọc sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 4 km, quy hoạch giữ nguyên các vườn cây măng cụt. Do đó, đô thị An Sơn được quy hoạch thành 2 không gian gồm: Không gian phát triển đô thị An Sơn gắn với vườn cây ăn trái hiện hữu theo hướng giữ lại tối đa diện tích vườn nhằm phát triển du lịch, giữ lại bản sắc văn hóa lâu đời của Thuận An và đóng vai trò là "lá phổi" lớn của thành phố.
Đối với không gian ven sông Sài Gòn, phát triển các khu đô thị mới hỗn hợp nằm ở phía Nam và phía Đông Nam giáp với cảng An Sơn và phường Bình Nhâm nhằm khai thác không gian cảnh quan ven sông. Các bến thủy trên hành lang sông Sài Gòn, phục vụ du lịch, vận tải thủy nhằm phát triển đô thị có đặc thù sinh thái vườn cây ăn trái kết hợp thương mại, dịch vụ.
Ông Tuấn cho biết thời gian tới, địa phương khai thác tốt tiềm năng lợi thế ven sông, tập trung đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường đê bao ven sông Sài Gòn tạo sự liên kết với hệ thống giao thông liên vùng nhằm tạo sức bật cho ngành du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông… để nâng mức sống người dân ngày càng tốt hơn.
Ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thành ủy Bến Cát, cho hay theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP Bến Cát sẽ tập trung phát triển mạnh dọc theo sông Sài Gòn, với điểm nhấn là các khu du lịch sinh thái và 3 cảng có quy mô rất lớn gồm: An Tây, An Điền và Rạch Bắp. Trong đó, cảng An Tây được quy hoạch thành cảng hỗn hợp (cảng hành khách kết hợp cảng hàng hóa), với quy mô khoảng 180 ha gồm diện tích khu cảng khoảng 97 ha, diện tích khu đô thị - tái định cư khoảng 83 ha.
Mục tiêu hình thành chuỗi dịch vụ logistics để đưa hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên về cảng Cát Lái (TP HCM) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tránh kẹt xe trên các tuyến đường bộ.
Mặt khác, lợi thế của cảng sông An Tây là kết nối hầu hết các khu công nghiệp với TP HCM, kết nối đường sông thuận lợi với cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng như vùng Đông Nam Bộ.
KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội (thuộc Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng), nhìn nhận với việc hình thành tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ kết nối thông qua tuyến đường Vành đai 4 - TP HCM đi qua TP Bến Cát, về lâu dài cần thêm các đường giao thông khác như đường kết nối Bắc - Nam, các cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, tuyến đường sắt đô thị chạy dọc đường Vành đai 4 để kết nối sang TP HCM.
Thúc tiến độ dự án đường, kè ven sông Đồng Nai
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đến nay dự án kè ven sông Đồng Nai đã hoàn thành việc thu hồi đất của 441 hộ dân, bàn giao cho chủ đầu tư gần 14,3 ha để thi công dự án, đạt hơn 88%. Hiện còn 100 hộ dân và 1 tổ chức đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng; 15 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường. Riêng dự án đường ven sông Đồng Nai đã thi công hơn 2 năm nhưng mới đạt khoảng 65% tổng khối lượng theo hợp đồng.
Theo tiến độ đề ra, dự án đường ven sông Đồng Nai hoàn thành vào tháng 6-2023 và kè sông Đồng Nai vào cuối tháng 2-2024. Tuy nhiên, cả 2 dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng đang triển khai trên địa bàn TP Biên Hòa vẫn còn ngổn ngang do vướng giải phóng mặt bằng.
Dự án xây dựng đường, kè ven sông Đồng Nai đoạn từ TP Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu dài hơn 5,2 km có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo không gian hướng sông cho phát triển đô thị Biên Hòa, kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, xứng tầm đô thị loại I nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra 2 dự án và yêu cầu UBND TP Biên Hòa chỉ đạo các đơn vị phòng, ban chuyên môn liên quan rà soát những thủ tục pháp lý; phương án cưỡng chế đối với các hộ dân cố tình chây ì không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Cấp ủy, chính quyền phường Bửu Long tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với mức giá đền bù, hỗ trợ và sớm bàn giao mặt bằng.
"Phải tập trung nhân lực, máy móc thi công đồng bộ, không thể thi công dự án trọng điểm theo kiểu nhỏ giọt như vừa qua được" - ông Hồ Văn Nam yêu cầu.
Trong khi đó, cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai kết nối TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) là một trong những dự án trọng điểm, kết nối các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Cầu và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 2,8 km, riêng phần bắc ngang qua sông Đồng Nai dài khoảng 410 m, rộng 17 m với 4 làn xe. Dự án có tổng vốn đầu tư 490 tỉ đồng, được khởi công vào tháng 12-2021.
Theo đại diện đơn vị thi công (liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 và Công ty CP Xây dựng và đầu tư 492), dự kiến trong tháng 7-2024, cầu Bạch Đằng 2 sẽ được hợp long. Dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác quý IV/2024.
Tin-ảnh: Ng.Tuấn
Bình luận (0)