Ngày 15-3, Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần IV, quý 1 năm 2024 đã diễn ra tại tỉnh Đồng Nai. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, vùng Đông Nam Bộ, với TP HCM là hạt nhân, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Các địa phương trong vùng có sự gắn kết chặt chẽ về không gian địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa. Mối quan hệ giữa các địa phương ngày càng mở rộng về các mặt kinh tế - xã hội. Vấn đề liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng trở nên quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Đồng Nai luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng. Lãnh đạo tỉnh tin tưởng khi các tuyến đường Vành đai 3, 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái, cùng với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Sân bay Biên Hòa khai thác lưỡng dụng đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển mới cho Đồng Nai cũng như các địa phương trong vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng gợi mở một số nội dung để các địa phương nghiên cứu hợp tác như: giảm chi phí logistics; phát triển theo mục tiêu Net zero.
Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác phát vùng Đông Nam Bộ năm 2023, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thông tin đến hết năm 2023, TP HCM đã thực hiện 10 nội dung phối hợp cấp vùng. Qua đó, TP HCM đã hoàn thành nhiều nội dung và đang tiếp tục thực hiện.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết các sở ngành của TP HCM đã chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để thực hiện thỏa thuận hợp tác như phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3-TP HCM, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ.
TP HCM cũng phối hợp trong triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc trong vùng như mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP HCM - Trung Lương, đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Về hợp tác giữa TP HCM và Đồng Nai, ông Lâm cho biết thành phố đang nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; rà soát, cập nhật quy hoạch kết nối đường An Bình - đường Đào Trinh Nhất đến đường Phạm Văn Đồng; đề xuất đưa dự án kết nối vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn và triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Đối với việc xây cầu Cát Lái, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho hay, cầu Cát Lái nối TP HCM và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thành phố đã thống nhất ưu tiên triển khai trước, thời gian từ nay đến năm 2030. Ngoài ra, 2 cây cầu khác nối Đồng Nai và TP HCM cũng sẽ được triển khai sau năm 2030.
Liên quan nội dung này, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị lãnh đạo TP HCM xem xét, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cát Lái trong năm 2024, khởi công xây dựng vào năm 2025, không phải chờ đến sau năm 2026 khi dự án đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.
"Việc xây dựng sớm cầu Cát Lái sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông cũng như phục vụ khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành"- quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nói.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, TP HCM thống nhất các kiến nghị, đề xuất của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. TP HCM và các tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các dự án để đạt các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2024-2025.
Về nội dung làm cầu thay phà Cát Lái, ông Bùi Xuân Cường khẳng định thành phố sẵn sàng phối hợp cùng Đồng Nai làm cầu thay phà Cát Lái.
"Không chỉ phà Cát Lái, TP HCM đang nỗ lực cùng các tỉnh Đông Nam Bộ và các bộ ngành làm quy hoạch cho đồng bộ, kết nối hạ tầng giao thông trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai để phát huy lợi thế của các địa phương" - ông Cường nhấn mạnh.
Theo UBND TP HCM, trong giai đoạn 2024 - 2025, thành phố và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục phối hợp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án thành phần, đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án Vành đai 3 TP HCM trong năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đối với dự án đường Vành đai 4 TP HCM, sớm hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần đường Vành đai 4, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024 và đưa dự án vào khai thác năm 2028. Đồng thời, đề xuất, trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án thành phần xây dựng đường Vành đai 4.
Đối với các dự án cao tốc liên kết vùng và các dự án đường sắt, TP HCM tập trung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Bình luận (0)