Liên quan các tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã có báo cáo và kiến nghị hàng loạt nội dung tới Quốc hội.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 17.829 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng: 50% ngân sách Trung ương, 50% ngân sách địa phương; chi phí xây lắp: ngân sách Trung ương 100%).
Qua quá trình triển khai dự án đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng 1.469 tỉ đồng và chi phí xây lắp là 964 tỉ đồng.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng thêm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho tỉnh là 734,5 tỉ đồng (ngân sách tỉnh bổ sung 50% còn lại) và điều chỉnh tăng thêm chi phí xây dựng và các chi phí khác khoảng 964 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Đối với dự án đường Vành đai 4 - TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ giao cho Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền, hiện nay tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ, đang trình thẩm định, phê duyệt với tổng mức đầu tư là 19.151 tỉ đồng.
Do nguồn vốn ngân sách tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho dự án đường Vành đai 4 - TP HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh với kinh phí là 4.602 tỉ đồng, chiếm 50%; ngân sách địa phương bố trí 50%, phần còn lại đầu tư theo hình thức PPP để đảm bảo thời gian hoàn vốn đầu tư.
Với tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, hiện nay, tuyến đường thường xuyên ùn tắc giao thông.
Do đó, để sớm xử lý ùn tắc giao thông cũng như đáp ứng nhu cầu lưu thông trong thời gian sắp tới khi sân bay Long Thành đưa vào vận hành khai thác, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội chỉ đạo khẩn trương đầu tư mở rộng lên 10 làn xe đoạn từ TP HCM đến giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu để đáp ứng nhu cầu khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sớm đầu tư hệ thống đường sắt kết nối để đồng bộ, đáp ứng nhu cầu khi sân bay Long Thành đưa vào vận hành khai thác.
Cụ thể, hệ thống đường sắt kết nối đến sân bay Long Thành được quy hoạch 3 tuyến bao gồm: Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành; tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, tổng kho trung chuyển miền Đông đến sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển Nhóm V trên địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch và khu vực cảng Thị Vải – Cái Mép. Đây là các tuyến đường sắt có vai trò kết nối, vận chuyển hàng hóa.
Vừa qua, khi kiểm tra tiến độ sân bay Long Thành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh thời gian thi công không còn dài, đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công thường xuyên cập nhật tiến độ các gói thầu liên quan nhằm bảo đảm tính kết nối, đồng bộ dự án, đặc biệt là những công trình phụ trợ, giao thông kết nối sân bay Long Thành với TP HCM và các địa phương. Chủ tịch Quốc hội lưu ý đừng để sân bay Long Thành vận hành nhưng chưa có đường kết nối, như vậy sẽ không hiệu quả.
Bình luận (0)