Ngày 22-2, tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của địa phương.
Trước đó, ngày 11-1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời là cơ sở dài hạn cho công tác chỉ đạo, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường...
Đồng Tháp kỳ vọng tỉ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 là 50% và huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 7%-7,5%/năm
Đồng Tháp có tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê-Kông.
Phát huy lợi thế từ nội lực, Đồng Tháp còn đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, kết nối với TP HCM; tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Vương quốc Campuchia; liên kết với các tỉnh: Long An, Tiền, Giang xây dựng Dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm Dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa, khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định: "Để thực hiện quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp sẽ dành sự quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, đặt trách nhiệm và tình cảm trong từng quyết định, hành động, từ việc nhỏ nhất để nhanh chóng tạo ra nhiều giá trị mới hơn, giá trị cao hơn trên tất cả các lĩnh vực; để tỉnh phát triển nhanh hơn, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc hơn".
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua.
Theo đó, năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có chuyển biến tích cực. Mặc dù tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn lực chưa đạt kỳ vọng nhưng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế đạt mốc 110.000 tỉ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng, tăng 12,16% so với năm 2022.
"Chính phủ cùng các bộ, ngành của trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Hội nghị hôm nay là tiền đề, là dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển tiếp theo của tỉnh" – Phó Thủ tướng khẳng định.
Bình luận (0)