Ngày 28-10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng giai đoạn 2026 – 2030.
Hội thảo được kết nối trực tuyến đến các chuyên gia, lãnh đạo một số cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng 12 điểm cầu huyện, thành phố.
Chủ trì hội thảo có ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết Đồng Tháp là tỉnh tiên phong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua gần 10 năm triển khai, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án, phát triển nông nghiệp một cách bền vững, tỉnh Đồng Tháp chức hội thảo với mong muốn được lắng nghe những ý kiến tâm huyết của quý đại biểu, những cách tiếp cận mới về mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phương thức triển khai thực hiện.
Ông Phạm Thiện Nghĩa kỳ vọng, qua hội thảo này sẽ góp phần cho tỉnh hoàn thiện việc nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể xây dựng tỉnh Đồng Tháp "Tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông dân văn minh" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng nhiều định hướng chiến lược Tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp rất đúng cần tiếp tục thực hiện, đã khẳng định được các nguyên tắc về phát triển dựa trên lợi thế; liên kết, hợp tác, thị trường; hiệu quả, đa dạng và hướng tới bền vững.
Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh khi chuyển đổi sang "nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông dân văn minh" sẽ có những điểm mới mang tính bền vững, đa giá trị, phát huy khoa học công nghệ kết hợp với kiến thức bản địa. Cùng với đó, xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm không chỉ là chuỗi giá trị mà gắn với phát triển ngành; phát triển công nghệ số, kinh tế số không chỉ là theo truyền thống mà còn dùng số hóa gắn kết thị trường v.v..
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng tỉnh cần xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho cây ăn trái, củng cố vùng nguyên liệu thương mại để phát triển bền vững; việc đặt nặng xây dựng thương hiệu lúa gạo Đồng Tháp trong giai đoạn này là chưa cần thiết mà phải hướng tới thương hiệu quốc gia.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Đồng Tháp không chỉ dừng lại tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững mà cần phát triển nền nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường; không chỉ phát huy lợi thế tự nhiên mà cần phát huy lợi thế về con người, về văn hóa, biến văn hóa thành giá trị.
"Tỉnh Đồng Tháp cần tăng cường tính hấp dẫn của nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ dựa trên nền tảng nông nghiệp vững mạnh" – nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định tỉnh đã xác định hướng đi đúng, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kết quả đạt được; nghiên cứu tích hợp nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chú trọng tiếp tục phát triển ngành hàng chủ lực vào Đề án "Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Tại hội thảo, các doanh nghiệp ở lĩnh vực chế biến cá tra kiến nghị tỉnh Đồng Tháp cần quy hoạch lại vùng nuôi cá tra thương phẩm, vùng nuôi cá giống và phát triển cơ khí nông nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến cá tra..
Đồng thời, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2024 và kế hoạch năm 2025.
Bình luận (0)