Ngày 16-3, tại hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng chính sách, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính từ 1-2024 khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực áp dụng, đã có trên 1 vạn gói thầu các ngành nghề phát hành hồ sơ mời thầu theo luật mới, trong đó có mua sắm cho y tế.
Theo ông Cương, ngày 27-2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, là cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm mà không cần chờ sự ra đời của những thông tư hướng dẫn.
Đủ căn cứ để đấu thầu thuốc, vật tư
Nghị định này cho phép các bệnh viện có thể xác định giá gói thầu theo báo giá, kể cả trường hợp có một báo giá thì cũng lấy báo giá đó làm giá dự kiến cho gói thầu, hoặc có nhiều báo giá thì có thể lấy giá dự kiến từ gói thầu giá cao nhất. Đây là điểm mới rất đáng chú ý so với các quy định trước đó.
Ngoài ra, các bệnh viện cũng có thể áp dụng tùy chọn, mua thêm tối đa 30% gói thầu mua sắm trước đó. Quy định mới cũng giao quyền cho chủ đầu tư, nhận diện được những khó khăn vướng mắc trước đây để gỡ khó.
Về lý do vì sao nhiều bệnh viện vẫn chưa mua sắm được và vẫn thiếu vật tư phục vụ khám chữa bệnh, ông Cương cho rằng do trách nhiệm của các chủ đầu tư, còn với các quy định hiện hành là đủ căn cứ pháp lý để các bệnh viện mua sắm, đấu thầu.
"Trong 3 thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện các quy định tại nghị định này thì một thông tư liên quan đến đàm phán giá, một thông tư về mua sắm tập trung là trách nhiệm của Bộ Y tế, còn đối với bệnh viện nếu tự mua thì cũng không ảnh hưởng gì. Một số bệnh viện lớn chỉ có vướng mắc trong việc xây dựng các tiêu chí đánh giá, chúng tôi đã hướng dẫn"- ông Cương nói.
Thuốc và vật tư và hàng hóa đặc thù
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều lãnh đạo bệnh viện, để có thể đấu thầu rộng rãi với số lượng lớn cơ sở y tế vẫn phải chờ các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Đại diện nhiều bệnh viện cũng thừa nhận chưa thể dễ dàng đấu thầu mua sắm đủ thuốc, vật tư.
Một lãnh đạo bệnh viện cho biết nhiều vật tư như: Găng tay, bông băng, vật tư phẫu thuật, mổ mắt... phải mua theo gói dưới 50 triệu đồng, tức là giám đốc bệnh viện được tự quyết định.
Tuy nhiên, cũng có những vật tư phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, tim mạch, giá cao nên không thể mua theo hình thức này... Vì thế có những bệnh viện, chỉ đảm bảo vật tư y tế cho các trường hợp cấp cứu chứ không thể phục vụ các ca mổ phiên.
"Thuốc và vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt không thể đấu thầu giống như các mặt hàng thông thường khác nên nếu chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể bệnh viện chưa thể làm được. Ngay cả việc áp giá gói thầu của các bệnh viện khác làm căn cứ mua sắm thì đặc thù bệnh viện cũng không thể mua đủ mặt hàng như nhu cầu sử dụng thực tế, có thể chỉ dùng một vài tháng và chỉ được thực hiện 1 lần trong năm"- một đại diện bệnh viện băn khoăn.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nêu vấn đề Luật Đấu thầu tháo gỡ nhiều đấu thầu về mua sắm thuốc và vật tư, nhưng kể cả khi doanh nghiệp báo giá, kê khai trên hệ thống cũng chưa chắc đã an toàn bởi có thể doanh nghiệp nâng khống giá.
"Câu chuyện này phổ biến khi nhiều doanh nghiệp thành lập nhiều công ty, các công ty trúng thầu, chủ đầu tư vẫn rơi vào tình cảnh mua phải giá đắt và khi kiểm toán lại sai phạm"- PGS Cơ nói.
Bệnh viện vẫn thiếu thuốc, vật tư
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay về mặt nguyên tắc thì Nghị định 24 đã tương đối rõ ràng. Thế nhưng, trong thực tế làm việc cần phải quy định rõ ràng hơn. Đó là mặt hàng nào thì thuộc diện mà đấu thầu tập trung của trung ương, mặt hàng nào thì thuộc diện đấu thầu tập trung cấp địa phương và mặt hàng nào các bệnh viện trực tiếp được phép đấu thầu tại bệnh viện. Như vậy, vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.
Lãnh đạo một bệnh viện đa khoa ở Hưng Yên cũng chia sẻ đang thiếu vật tư phục vụ phẫu thuật thay thế khớp gối và khớp háng nhân tạo vì không có nhà cung cấp nào tham dự vì giá thấp quá.
Nghị định 24 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra thời gian qua. Các quy định này được đánh giá sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho bệnh viện trong mua thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang cùng với các bộ hành có thể ban hành thông tư hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện cho rằng ngay cả khi có thông tư, các bệnh viện sẵn sàng các điều kiện để "bấm nút" thì theo đúng quy trình chuẩn để có thuốc và vật tư cũng phải mất thời gian từ 2-3 tháng.
Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía bắc 2024 khai mạc sáng nay 16-3, tại Quảng Ninh. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý bệnh viện gặp gỡ, học tập, chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm quý trong công tác quản lý điều hành bệnh viện; tạo sự kết nối và hợp tác bình đẳng, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật giữa các bệnh viện trong cả nước.
Bên cạnh đó, các chuyên đề về quản lý chất lượng, an toàn người bệnh, chính sách bảo hiểm y tế, văn hóa ứng xử và y đức tại các cơ sở, khám chữa bệnh… Tất cả đều hướng tới việc lấy người bệnh làm trung tâm, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất.
Tại đây, Bộ Y tế được nghe trực tiếp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ các bệnh viện, là nơi khám chữa bệnh và thực hiện các quy định, chính sách được ban hành. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện là diễn đàn lớn để các bệnh viện, các nhà quản lý, các bác sĩ cùng chia sẻ, cùng nhau giải quyết các vấn đề nóng của ngành.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã nhận được những ý kiến phản ánh của cơ sở y tế về tình trạng thiếu và nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế trong quá trình chờ những hướng dẫn cụ thể để thực hiện luật đấu thầu sửa đổi. Bộ Y tế đang tập trung xây dựng để ban hành những thông tư hướng dẫn thực hiện.
Bình luận (0)