Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, câu chuyện thiếu trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tại tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trở nên nóng hơn bao giờ hết. Vấn đề quan tâm hàng đầu là tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc và những bất cập vướng mắc trong đấu thầu ở các cơ sở y tế đã được giải quyết ra sao, nhất là từ ngày 1-1-2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 có hiệu lực thi hành.
Cởi trói nhờ thông tư "ngắn ngày"
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế diễn ra trong thời gian dài sau dịch COVID-19 là do nguồn cung về hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, thuốc có dấu hiệu khan hiếm và giá cả biến động mạnh sau dịch bệnh. Cùng với đó, do vướng mắc pháp lý về đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập được ví như "phao cứu sinh" cho các bệnh viện công. Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 1-7 đến ngày 31-12-2023, cơ bản đã thể chế hóa Nghị quyết số 30 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, gỡ vướng rất nhiều cho các bệnh viện.
Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, trước đây việc mua sắm thiết bị y tế thực hiện theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC và Thông tư số 68/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y thế, chẳng hạn như hệ thống máy CT, bệnh viện phải có ít nhất là 3 báo giá và lựa chọn giá thấp nhất để làm giá kế hoạch đấu thầu, gây ra nhiều vướng mắc. Thông tư 14 không còn quy định bắt buộc điều này, cho phép bệnh viện lựa chọn mua sắm, tự quyết định lựa chọn giá gói thầu phù hợp với khả năng tài chính, yêu cầu chuyên môn.
Là một trong những cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mặc dù chỉ có hiệu lực trong 6 tháng nhưng Thông tư 14 rất quan trọng bởi đây là hướng dẫn giúp các bệnh viện, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được thông suốt. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã đấu thầu, trúng thầu với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc để phục vụ khám chữa bệnh. Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng thầu gói thiết bị 4 máy cộng hưởng từ và 2 máy CT. Với các thiết bị mới này và các máy đang sửa chữa đến năm 2024, bệnh viện có gần chục máy cộng hưởng, vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, sáng 6-12, ca ghép giác mạc đầu tiên từ nguồn hiến ở cộng đồng sau thời gian dài gián đoạn đã được thực hiện trở lại. Hơn 2 năm qua, rất nhiều gia đình có người tử vong muốn hiến tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương nhưng bệnh viện này không thể tiếp nhận chỉ vì thiếu hóa chất, vật tư y tế trong tiếp nhận, bảo quản giác mạc.
Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, từ tháng 3, từng phải tạm dừng các mổ phiên vì thiếu vật tư, thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật, thủ thuật thì nay cũng đã hoạt động trở lại bình thường sau khi được Thông tư 14 giải quyết vướng mắc.
Trao quyền cho giám đốc bệnh viện
Tại hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam lần thứ 21 vừa diễn ra tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói rằng công tác quản lý luôn là thách thức đối với các giám đốc bệnh viện, trong đó có vấn đề quản lý tài chính, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, quản lý nhân sự và quản lý chất lượng bệnh viện, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.
Quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, Bộ Y tế luôn rất cầu thị tiếp nhận ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bệnh viện để cùng nhau thực hiện tốt các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của ngành, từ đó triển khai tại bệnh viện một cách hiệu quả để giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan tới công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư máy móc, thiết bị y tế, thanh quyết toán BHYT…
Trong khi đó, lãnh đạo các bệnh viện cho rằng Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 sẽ tháo điểm nghẽn lâu nay, giúp các cơ sở y tế bảo đảm công tác khám chữa bệnh cũng như quyền lợi của người bệnh.
Nói về sự ra đời và những điểm mới của Luật Đấu thầu (sửa đổi), ông Hoàng Cương, Trưởng Phòng Chính sách đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng trải qua hơn 2 năm xây dựng, với hàng trăm buổi làm việc, hội nghị, hội thảo cùng các bệnh viện, bộ, ngành, ngày 23-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua luật này. Luật dành 1 chương (chương 5) quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Nhiều điểm mới của luật, theo ông Cương, đó là điều chỉnh 8 hình thức về đấu thầu, trong đó có đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, mua sắm trực tiếp, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Bên cạnh đó còn mở rộng thêm 2 hình thức đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến. Đối với hình thức đấu thầu ngược, các nhà thầu sẽ chào giá với lần sau không được cao hơn lần trước. Kết thúc thời hạn, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ lựa chọn các sản phẩm có giá cạnh tranh nhất, các bệnh viện có thể lấy ngay kết quả đó để mua sản phẩm mà không phải thông qua đấu thầu.
Với những quy định này, trong thời gian tới, giám đốc các bệnh viện, ngành y tế địa phương có quyền mua sắm đấu thầu, chỉ định thầu trong tình huống cấp bách như thiên tai, dịch bệnh thảm họa hay để duy trì hoạt động bệnh viện. Đặc biệt, giám đốc bệnh viện được tự quyết nếu nhà tài trợ không yêu cầu, không phải thuốc BHYT hoặc nguồn vay ODA, miễn là phải bảo đảm tính công bằng minh bạch và chịu trách nhiệm.
Một điểm mới khác là Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 cho phép các bệnh viện tư nếu tham gia khám chữa bệnh BHYT được thanh toán như giá bệnh viện công. Nếu bệnh viện tư không đấu thầu thì có thể áp dụng mức giá của cơ sở y tế ở khu vực lân cận hoặc TP HCM để làm cơ sở thanh toán.
"Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023, tập trung vào 5 nhóm tiêu chí cơ bản, đã nhận diện và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đấu thầu của ngành y tế trong thời gian qua. Với những điểm mới của luật cùng với các thông tư, nghị định hướng dẫn mới, chắc chắn việc đấu thầu y tế trong thời gian tới sẽ hiệu quả hơn" - ông Cương khẳng định.
Bác sĩ TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh:
Nhiều nội dung mới sát thực tiễn
Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 quy định rõ việc thực hiện đấu thầu, mời thầu đối với những trường hợp biệt dược hoặc chỉ có 1 đơn vị tham gia. Thậm chí còn cho phép trường hợp cụ thể có thể điền thông tin của nhà sản xuất, khu vực xuất xứ... Ví dụ như ở TP HCM, trước đây, tại một bệnh viện quận xảy ra trường hợp thiết bị chẩn đoán hình ảnh bị hỏng bóng đèn, qua đấu giá mà kết quả trúng thầu là một bóng đèn của hãng khác nhưng không cùng thông số thì không được chấp nhận. Luật mới đã giải quyết, tháo gỡ vấn đề này.
Các cơ sở y tế đang mong chờ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu sửa đổi 2023. Với nhiều nội dung mới rất sát thực tế, luật này góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho ngành y, địa phương và các bệnh viện.
Bác sĩ NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:
Kỳ vọng giải quyết triệt để bất cập
Trong đợt tham gia góp ý sửa đổi Luật Đấu thầu vừa qua, chúng tôi đã giải trình, thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa tình huống cấp bách cùng với tình huống cấp cứu, thiên tai, dịch bệnh vào trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 nhằm giải quyết, tháo gỡ công tác đấu thầu để có thể duy trì hoạt động bệnh viện, bảo đảm việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân.
Chúng tôi kỳ vọng những bất cập thời gian qua được giải quyết một cách triệt để, giúp cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người dân ngày một tốt hơn.
T.Đạt ghi
Bình luận (0)