Theo ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, khách du lịch ngày càng có nhu cầu tự đi du lịch đến Huế, đặc biệt khách từ các địa phương lân cận. Địa phương này dự kiến sẽ đón nguồn khách lớn từ các tỉnh lân cận và có thể các tỉnh, thành xa hơn với nhiều gói kích cầu du lịch chào hè Huế 2024 khá hấp dẫn như: giảm giá phòng, giá tour, giá mua các sản phẩm đặc sản và lưu niệm… đối với khách tham quan.
Lượng khách đặt tour liên tục sụt giảm
Trở về sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 ở Thừa Thiên - Huế vừa qua, chị Nguyễn Thị Thủy (Hà Tĩnh) cho biết vợ chồng chị và 2 con đã tự thiết kế tour vào Huế khá thành công. Gia đình tự lái ô tô đến Huế, vừa đi vừa nghỉ ngơi, tham quan các điểm di tích dọc đường như khu hang động ở Quảng Bình, địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị… "Khi tới Huế, theo lịch lên sẵn, gia đình chúng tôi tự tìm đến những địa điểm mình đã vạch ra. Vì vậy, không bị phụ thuộc vào lịch di chuyển của đoàn nếu đặt tour, khá thoải mái" - chị Thủy nói.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Du lịch Huetourist - đơn vị xây dựng sản phẩm điểm đến tại Huế, cho hay điểm đến Thủy Biều (TP Huế) những năm trước chỉ dành cho khách từ các đại lý lữ hành (TA) như Exotissomo, Discova, Saigontourist... Gần 2 năm trở lại đây, khách của những đại lý lữ hành online (OTA) như Klook, Kkday, Ivivu... chiếm khoảng 40%. Đến nay, lượng khách đặt tour qua TA và OTA đã tương đương nhau.
"Điều này cho thấy có lượng khách tự đi và sau đó họ đến đâu sẽ đặt dịch vụ qua mạng hoặc họ tìm và đặt trước cũng tăng nhiều. Dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách do TA gửi không nhiều, du khách nhóm gia đình tự lái ô tô tới và khách qua OTA cũng tăng" - ông Hào nói.
Tại Quảng Bình, Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin (Netin) các năm trước luôn là đơn vị kết nối nhiều tour, điểm đến tham quan hấp dẫn tại địa phương này. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Netin, cho biết doanh thu thị trường khách nội địa của đơn vị năm nay chỉ ước đạt 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số báo động. Giá vé máy bay quá cao, chuyến bay bị giảm nên lượng vé cũng khan hiếm. Nhiều đoàn khách đã chuyển hướng không đến Quảng Bình mà du lịch các địa phương gần. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị lữ hành.
Không chỉ có Netin, nhiều đơn vị lữ hành ở Quảng Bình cũng phản ánh đến thời điểm này, họ ký được rất ít hợp đồng khách đoàn đến từ miền Bắc hay khu vực TP HCM và các tỉnh phía Nam. Khách bay ra - vào chủ yếu là khách lẻ tự đi và số lượng cũng rất ít. Lượng khách đổ tới Quảng Bình rất đông nhưng chủ yếu là khách lẻ tự đi bằng xe gia đình, đến từ các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng… và đi bằng đường bộ.
Ứng biến trong khó khăn
Tại Đà Nẵng, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vitraco Đà Nẵng, nhận định khách du lịch đi lẻ, đi tự túc là xu hướng chung. Công nghệ phát triển giúp du khách tiếp cận thông tin, đặt dịch vụ dễ dàng nên du khách chọn đi lẻ thay vì mua tour, để tiết kiệm chi phí.
Theo ông Tùng, trước xu hướng này, các doanh nghiệp (DN) lữ hành phải có giải pháp thích ứng hợp lý mới có thể "sống được". Thay vì trước đây, khách tự tìm đến để đặt tour thì nay DN lữ hành phải đi tìm khách và bắt buộc phải có dịch vụ tốt. Vì vậy, Công ty Vitraco Đà Nẵng liên tục tạo sản phẩm mới, nhiều tiện ích để du khách lựa chọn. Công ty tung ra tour ghép đoàn hành trình di sản miền Trung để hút khách vì đối với tour này, khách không thể tự đi hoặc phải mua tour thì mới có giá rẻ.
Tour tàu di sản Huế - Đà Nẵng cũng là sản phẩm mới mà ông Tùng định hướng khai thác khách trong mùa hè này. Khách tham gia tour này có thể ngắm cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam, tham quan những điểm mới ở Huế và các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng như Bà Nà, Núi Thần Tài. Ông Tùng cho rằng DN lữ hành tổ chức tour còn phải kết hợp sự kiện, nhắm vào những điểm du khách không thể tự làm.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng cho rằng xu hướng khách đi lẻ hiện nay đã rõ, DN có khả năng thích ứng vẫn tăng trưởng. "Điều quan trọng là các DN phải xoay chuyển được, bước lên các nền tảng, tạo sản phẩm chuyên biệt. Xu hướng chung là khó nhưng vẫn có nhiều giải pháp và định hướng" - ông Dũng nhấn mạnh.
Phía hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để các DN cùng bàn bạc và đưa ra các định hướng nhằm thu hút du khách. Với thực tế hiện nay, các DN lữ hành không bắt kịp xu hướng sẽ gặp nhiều khó khăn. DN muốn thích ứng tốt phải có sản phẩm dẫn dắt thị trường, tạo sự riêng biệt, tạo gói, tạo hướng hút khách theo tour trọn gói và sản phẩm chuyên đề.
Ông Cao Trí Dũng nhận định TP Đà Nẵng có lợi thế hơn các địa phương khác trong việc tạo ra các sản phẩm trọn gói xoay quanh các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. "Phải có sự liên kết giữa các địa điểm trên để tạo ra các sản phẩm chung nhằm thu hút du khách" - ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)