Thế nhưng, mọi thứ đã đổi thay từ khi vùng đất này được khai thác điểm du lịch nghỉ dưỡng cộng đồng. Lúc đầu, chỉ có một vài cơ sở du lịch được xây dựng tại bản Đôn (xã Thành Lâm), dần dần nó đã được phát triển rộng khắp cả vùng Pù Luông. Vùng đất được ví như "Sa Pa thu nhỏ giữa lòng xứ Thanh" trở thành một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Thanh Hóa và cả nước, hằng năm đón hàng vạn du khách về tham quan nghỉ dưỡng.
Chị Lò Thị Hoài (ngụ bản Báng, xã Thành Sơn) cho biết từ khi có du lịch cộng đồng, gia đình chị đã cải tạo lại ngôi nhà sàn đang ở, đầu tư thêm một ngôi nhà sàn khác để phục vụ khách du lịch. "Nhờ có du lịch, cuộc sống của gia đình bớt khó khăn. Nhiều gia đình trong bản cũng có nguồn thu khi bán các thực phẩm, rau quả phục vụ khách du lịch" - chị Hoài phấn khởi.
Ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, cho biết du lịch cộng đồng đã thực sự làm thay đổi đời sống của người dân địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện trên địa bàn xã có 22 cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó có 17 homestay là của người dân bản địa. Trong xã, còn nhiều hộ gia đình trồng rau, chăn nuôi gà, lợn cỏ… để phục vụ hoạt động du lịch.
Du lịch cộng đồng tại Pù Luông còn gián tiếp tạo sinh kế cho cả cộng đồng dân cư nơi đây. Theo ông Nguyễn Chí Công, các cơ sở lưu trú đi vào hoạt động, thanh niên không còn phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Họ được làm việc tại các điểm lưu trú, những người lao động chân tay cũng có nhiều công việc để làm như phụ hồ, xây dựng nhà cửa. Các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt của bà con có đầu ra ổn định.
Có du lịch, nghề trồng quýt hoi (loại cây quýt rừng lấy vỏ làm trà uống rất tốt cho sức khỏe) từng mai một giờ đã được khôi phục, nghề dệt thổ cẩm cũng được hồi sinh. Đặc biệt, địa phương cũng đã thành lập tổ xe ôm tự quản do địa phương quản lý, giải quyết công ăn việc làm cho 100 lao động.
Ông Trịnh Văn Dũng, Chánh Văn phòng Huyện ủy Bá Thước, cho biết số hộ nghèo trong vùng ngày trước đều trên 50% nhưng hiện nay giảm sâu xuống trên dưới 30%. Các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Cao… trước đây đều thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện, nhờ phát triển kinh tế gắn với du lịch, đến nay đã có những thay đổi cơ bản.
Được biết, ngày 29-11-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đề án thực hiện trên diện tích gần 17.000 ha thuộc phạm vi quản lý Pù Luông và kết nối với các xã vùng đệm 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa.
Theo quyết định này, lộ trình từ nay tới năm 2024, Pù Luông sẽ thu hút khoảng 5 nhà đầu tư lớn hợp tác, liên kết để xây dựng Pù Luông thành trung tâm du lịch của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 800 lao động trực tiếp và gián tiếp. Đến năm 2045, ước đón được khoảng 50.000 lượt khách du lịch đến Pù Luông (khách quốc tế chiếm 50%). Tổng thu từ hoạt động du lịch ước khoảng 85 tỉ đồng.
Bình luận (0)