Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho thấy một số địa phương trọng điểm về du lịch đã đón khách quốc tế với những tín hiệu bước đầu khả quan trong dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua.
Chưa nhiều như kỳ vọng
Cụ thể, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4-2022 đạt 101.400 lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192.400 lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ. Dù vậy, con số này chưa nhiều so với kỳ vọng sau gần 2 tháng Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch có đón khách quốc tế cho biết lúc này chưa phải cao điểm để khách tới Việt Nam du lịch nhưng là mùa khách bắt đầu lên kế hoạch đi tour dịp cuối năm.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết DN đang làm việc với các đối tác nước ngoài để cập nhật lại toàn bộ thông tin sản phẩm, tour tuyến, chính sách đón khách..., cùng đối tác mới xây dựng sản phẩm và chào bán. DN cũng tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế, làm marketing. Những thị trường chính được công ty tập trung vốn là thị trường truyền thống như châu Âu, Đông Nam Á, Mỹ, Úc, Nhật… Riêng thị trường Trung Quốc là nguồn cung khách tàu biển chính cho Lữ hành Saigontourist nhưng hiện nước này đang căng mình chống dịch nên vẫn khó.
"Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và thông tin ra bên ngoài để du khách quốc tế và các nước biết du lịch Việt Nam đã an toàn và sẵn sàng đón khách trở lại. Quảng bá điểm đến Việt Nam ra thế giới để cạnh tranh với những điểm đến khác đang cấp tập mở cửa, bởi không phải cứ mở cửa là có khách ngay" - ông Yên nói.
Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch phát triển, Vietnam Airlines - nhận định quy định bắt buộc khách phải xét nghiệm trước chuyến bay ít nhiều gây ra tâm lý lo ngại và phát sinh thủ tục. Một số nước, vùng lãnh thổ là các thị trường chính của Việt Nam vẫn duy trì một số hạn chế về nhập cảnh. Tâm lý thận trọng của hành khách vẫn còn sau đại dịch.
"Trước dịch, ước tính có tới hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam là khách du lịch, nhóm đối tượng khách này thường cần ít nhất 2-3 tháng phát động, quảng bá, chào bán tour... mới có thể bắt đầu phục hồi. Đáng lưu ý, việc cấp visa mới cho công dân Việt Nam của các nước trong giai đoạn hiện nay còn hạn chế về số lượng, đối tượng và thời gian cấp" - ông Trung nêu.
Đoàn khách quốc tế từ Mỹ tới TP HCM sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch. Ảnh: LAM GIANG
Xét nghiệm và visa là lực cản?
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis, dẫn chứng: Ngày 6-5, sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 30-40 chuyến bay quốc tế đến, một con số thật khiêm tốn. Số chuyến bay quốc tế có tăng nhưng chưa nhiều, phản ánh khách quốc tế tới Việt Nam cũng chưa thật sự tăng mạnh.
"Chính sách visa đang áp dụng và yêu cầu khách phải xét nghiệm nhanh hoặc PCR trước khi tới Việt Nam đang làm điểm đến của chúng ta kém cạnh tranh, vì khách sẽ chọn quốc gia không bắt xét nghiệm để đi. Với e-visa (visa điện tử) dù đã có chủ trương khôi phục nhưng hiện khách du lịch muốn lấy e-visa phải có thư mời của công ty du lịch sau khi mua tour. Đây là những yếu tố khiến khách quốc tế còn ngần ngại và có thể họ sẽ chọn điểm đến khác trong khu vực" - ông Nguyễn Châu Á nói.
Vì vậy, các DN đồng loạt kiến nghị cần mở rộng thị trường được miễn visa so với trước dịch Covid-19 và thông thoáng hơn quy trình cấp visa để kích thích nhu cầu của khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Một chính sách visa đột phá để tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch và cũng thể hiện sự trân trọng với du khách, tăng thời gian miễn visa lên 30 ngày, vào - ra nhiều lần cho các nước Tây Âu, mở rộng các nước được miễn visa tới các thị trường mục tiêu như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand...
Bình luận (0)