Từ ngã tư Bình Long - Dung Quất, muốn về Cà Ninh, du khách có thể theo đường Võ Văn Kiệt, xuôi về hướng Đông rồi ngược đường lên. Nhưng chúng tôi chọn con đường thứ hai bắt đầu từ ngã ba thị trấn Châu Ổ xuôi về hướng Đông, đi qua chợ Châu Ổ. Đến ngã ba Giao Thủy rẽ hướng Bắc tới đoạn gần sông Trà Bồng, theo con đường bê-tông đi về hướng Đông dọc bờ sông chừng vài ki-lô-mét là đến Cà Ninh.
Anh Võ Mãi - nguyên Trưởng thôn Phú Long 3, nay là chủ quán nước - nói rằng rừng dừa Cà Ninh thông với sông Trà Bồng bằng con lạch, từ đây xuôi về hướng Đông Bắc chừng 4 km là đến cửa biển Sa Cần. Khi thủy triều lên, nước mặn tràn vào sâu bên trong cửa biển hòa với nước sông thành vùng nước lợ nên rừng dừa nước là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản, là lá phổi xanh của vùng cuối sông Trà Bồng. Trong chiến tranh, rừng dừa là lối đi về của bộ đội, du kích các xã vùng Đông huyện Bình Sơn.
Người dân địa phương mở hàng quán trong khu vực rừng dừa phục vụ du khách
Trước khi Cà Ninh thành điểm du lịch, nhiều bạn trẻ cuối tuần hẹn nhau về đây ngắm trời mây, thuê ghe dạo chơi trong rừng dừa, mua cá tôm tự nướng. Còn dân Cà Ninh thì mùa nối mùa thu hoạch lá dừa để lợp nhà hoặc bơi thuyền đi đánh cá, bắt tôm.
Từ năm 2022, huyện Bình Sơn chính thức quy hoạch rừng dừa để phát triển du lịch. Nơi này nhanh chóng đổi thay. Những người dân quê đầu tư tiền của làm quán ăn, quán nước.
Một số người còn bỏ công ra tận rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tham quan học tập rồi về làm những "view" đẹp ngay mép lạch cho du khách chụp hình.
Về nơi đây, chúng tôi đề nghị người dân đưa thuyền theo những con lạch nhỏ vào giữa rừng dừa để ngắm thân dừa ken dày. Trong màu xanh của rừng và hơi nước bốc lên mát rượi, bất chợt chúng tôi nghe tiếng bìm bịp kêu, báo con nước thủy triều lên; ngước nhìn lên chợt thấy con bói cá treo mình trên không trung dõi mắt tìm mồi… Bơi chán, bạn bè tôi kéo nhau lên bờ ghé quán nước, sau đó đến nhà hàng nổi Cà Ninh thưởng thức các món ngon như cá đối hấp hành, cua xanh, ghẹ luộc, cháo hàu…
Rồi khi tia nắng cuối ngày rơi rụng trên sông Trà Bồng, chúng tôi trở về trong gió sông, gió đồng mơn man da thịt, càng thấy thêm yêu vùng cuối sông này.
Bình luận (0)