Hôm nay (11-6), tại tỉnh Kon Tum diễn ra Hội nghị "Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên". Trước đó, ngày 9 và 10-6, đoàn công tác do bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, dẫn đầu đã tiến hành khảo sát các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết hấp dẫn, độc đáo tại các tỉnh Tây Nguyên.
Trải nghiệm mới lạ
Đoàn công tác của UBND TP HCM, Sở Du lịch cùng đại diện Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch lớn của TP HCM đã khảo sát các địa điểm du lịch nổi tiếng như: thác Dray Nur (Đắk Lắk), thác Dray Sáp Thượng (Đắk Nông).
Đoàn công tác của UBND TP HCM, Sở Du lịch TP HCM và các doanh nghiệp khảo sát các điểm, tuyến du lịch tại Đắk Lắk - Ảnh: CAO NGUYÊN
Đặc biệt, đoàn đã khảo sát tuyến du lịch đi xe địa hình băng rừng, vượt núi từ thác Dray Nur đến thác Gia Long men theo dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ. Trên hành trình, đoàn dừng chân bên dòng sông Sêrêpốk ngắm các thác nước, núi rừng. Sau khi tới thác Gia Long, đoàn đã lên thuyền kayak khám phá "chốn bồng lai tiên cảnh", vượt thác, ghềnh trên sông Sêrêpốk với chiều dài hơn 3 km.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết TP HCM đánh giá cao điểm đến Đắk Lắk bởi nơi đây hội tụ 49 dân tộc anh em sinh sống, có nền văn hóa đa dạng. Tỉnh cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, du lịch núi rừng. Việc kết nối giao thông thuận lợi giữa Đắk Lắk và các tỉnh, thành mở ra cho du khách những trải nghiệm đa dạng về du lịch rừng núi, biển đảo.
"Đắk Lắk là thị trường du lịch gần của TP HCM. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tỉnh Đắk Lắk trong việc thúc đẩy liên kết du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển" - bà Hoa nói.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết TP HCM và Đắk Lắk đã ký kết hợp tác toàn diện, trong đó có lĩnh vực du lịch. Thời gian qua, Sở Du lịch TP HCM đã hỗ trợ Đắk Lắk rất nhiều về công tác quản lý nhà nước, đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh.
"Đắk Lắk kết nối dễ dàng với TP HCM qua Quốc lộ 14; có sân bay Buôn Ma Thuột, đầu mối giao thông quan trọng - cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước. Với nền văn hóa đa dạng, đặc trưng, 41 di tích được xếp hạng, thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, Đắk Lắk là điểm đến an toàn, mang lại sự trải nghiệm mới lạ cho du khách trong và ngoài nước" - bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết.
Chiều 10-6, đoàn công tác về phát triển du lịch của TP HCM đã đến Gia Lai, khảo sát Khu Du lịch Biển Hồ, suối Đá Cổ...
Một hành trình, nhiều điểm đến
Chuyến công tác của lãnh đạo TP HCM cũng nhằm mục đích kết nối, giao lưu giữa doanh nghiệp lữ hành TP HCM với các đơn vị cung ứng dịch vụ các tỉnh Tây Nguyên; giới thiệu các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng của các tỉnh; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển góp phần phục hồi du lịch thời hậu Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết TP HCM sẽ đề nghị các địa phương hợp tác phát triển du lịch tập trung vào các nội dung như: Phối hợp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường các hoạt động liên kết giữa các địa phương và hoạt động liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm chung, chính sách chung, nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch để trải nghiệm "Một hành trình - nhiều điểm đến"; phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch với thông điệp: "Du lịch an toàn", "An toàn trong từng trải nghiệm"...
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, dù tiềm năng du lịch của các tỉnh Tây Nguyên rất lớn song thời gian qua, chưa có sự liên kết đúng tầm, đúng mức giữa các tỉnh với TP HCM. Trong chuyến công tác này, TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên sẽ ngồi lại bàn bạc về sự liên kết, phối hợp, bổ trợ cho nhau trong việc phát triển du lịch chuẩn bị cho mùa du lịch hè cao điểm và đón khách quốc tế vào dịp cuối năm.
Bình luận (0)