Hội thảo "Liên kết vùng trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19", trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2022, đã được Sở Du lịch TP HCM phối hợp với Trường ĐH Văn Hiến tổ chức chiều 13-5.
Thiếu và yếu
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, cho biết hoạt động du lịch trên cả nước thời gian qua đã có những khởi sắc, đặc biệt tín hiệu tích cực từ đợt lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua. Chỉ tính riêng dịp lễ 30-4 và 1-5, có hơn 5 triệu lượt khách đi du lịch và hơn 2 triệu người sử dụng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú. Trong 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192.400 lượt, tăng 184,7% so với cùng kỳ.
Hoạt động du lịch khởi sắc giúp hướng dẫn viên du lịch có việc làm ổn định .Ảnh: BÌNH AN
Du lịch khởi sắc đem lại kỳ vọng phục hồi nhanh nhưng nguồn nhân lực đang là một trong những thách thức, khó khăn sau đại dịch. Số lượng du khách, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành giảm sâu khiến nhiều người lao động phải rời ngành để tìm kiếm việc làm khác.
Tại TP HCM, ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ nên nhiều DN phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết nếu trước dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp thì hiện tại, vấn đề đáng lo ngại là nguồn nhân lực du lịch đang thiếu và yếu cả về chất lượng, số lượng, với khoảng 80% lực lượng lao động nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Về phía DN, ông Nguyễn Bác Toán, Phó Giám đốc thương mại của Hãng Hàng không Vietjet, góp ý cần thay đổi thái độ, cách thức phục vụ của người làm du lịch. Cần chăm chút khách du lịch bởi đây là đối tượng đem lại thu nhập cho mình. Đồng thời, cần tính chủ động và sáng tạo với người làm du lịch mà yếu tố này nên được đào tạo từ quá trình học ở trường.
"Nhiều sinh viên mới ra trường vào DN áp dụng kiến thức mang tính học thuật cao, thay vì hiệu quả công việc phải được đo đếm cụ thể bằng số liệu nên cần thay đổi ngay khi ngồi trên ghế nhà trường" - ông Toán góp ý.
Liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Tính đến giữa tháng 4-2022, tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn TP HCM là 796 DN (giảm 1.341 DN so với năm 2020), trong đó 454 DN lữ hành, 342 cơ sở lưu trú và 6.410 hướng dẫn viên (HDV) du lịch.
TP HCM có lợi thế về hệ thống trường đào tạo chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Nam với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng, 19 trường trung cấp. Trung bình hằng năm, hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành.
Đến nay, nhiều nhân sự trong ngành du lịch vẫn chưa trở lại hoàn toàn. Anh L.V.S - HDV một công ty du lịch ở TP HCM - cho hay đội ngũ HDV của công ty anh vẫn chưa có đủ việc làm. Chỉ khi nào có tour khởi hành, các HDV mới được gọi đi làm và hưởng thu nhập theo ngày phục vụ khách, không có lương cơ bản. Rất nhiều HDV hoặc người làm trong ngành du lịch phải chuyển việc, bỏ nghề…
Ông Nguyễn Quý Phương cho rằng cần triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành để giữ chân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi nhu cầu của du khách và yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ du lịch đã thay đổi. Sau dịch Covid-19, du lịch y tế, sức khỏe, du lịch nông nghiệp sẽ được quan tâm, nên TP HCM cần hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động chuyên nghiệp và sự tham gia của cả cộng đồng để phục vụ du khách.
Để khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, Sở Du lịch TP HCM đề xuất ngành du lịch cần chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt với các khu vực gần kề như ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ… Thiết lập mối quan hệ giữa 3 nhà gồm nhà nước - nhà trường - nhà DN trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam và TP HCM.
Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2022
Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2022 diễn ra từ ngày 14 đến 17-5 tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1.
Theo Sở Du lịch TP HCM, sự kiện nhằm khôi phục, tạo luồng không khí mới cho du lịch cả nước và cũng là một bước chuyển mình nhằm thích ứng sau ảnh hưởng từ dịch Covid-19; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và quảng bá hình ảnh điểm đến TP HCM và Việt Nam.
Sự kiện thu hút sự tham gia của trên 100 đơn vị gồm hơn 50 tỉnh, thành; 38 DN kinh doanh dịch vụ du lịch; 11 nhà hàng và các hãng hàng không... Tại từng gian hàng, các đơn vị, DN sẽ tự thiết kế và trưng bày sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, lợi thế, tiềm năng du lịch; tự giới thiệu, chào bán các sản phẩm, các dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn.
Bình luận (0)