Các hướng dẫn còn quá chậm
Đại sứ Mai Phước Dũng nhấn mạnh lượng người Singapore đi du lịch khá lớn. Người Singapore cũng như cộng đồng quốc tế đang làm việc tại Singapore rất háo hức mong chờ trước thông tin mở cửa du lịch từ ngày 15-3 để quay trở lại Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả
"Tuy nhiên, niềm vui đi kèm nỗi thất vọng vì các hướng dẫn của chúng ta ra còn quá chậm, đặc biệt là không có hướng dẫn về mặt y tế. Hôm nay một số khách quốc tế và khách Singapore ra đến sân bay phải quay về vì hiện không có hướng dẫn cụ thể. Trưa nay chúng tôi mới nhận được thông tin về miễn thị thực đơn phương 13 nước, bà con người Việt ở Singapore băn khoăn vậy Singapore không được miễn? Đến chiều nay thì họ mới biết Singapore cũng được miễn…"- Đại sứ dẫn chứng.
Theo Đại sứ Mai Phước Dũng, hiện nay Singapore mở về nhập cảnh cho 30 nước, với Việt Nam quy định áp dụng từ ngày 16-3 là người nhập cảnh không cần cách ly với các điều kiện: Cần xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính 48 tiếng trước khi sang Singapore; xin phép nhập cảnh qua online miễn phí trước khi nhập cảnh 1 tuần đến 60 ngày và khi nhập cảnh không cần cách ly mà tự xét nghiệm (không cần đến cơ sở y tế chỉ định như trước đây), nếu âm tính sẽ được đi thoải mái. Singapore giới hạn nhập cảnh không quá 10.000 người/ngày.
Cho biết không chỉ khách du lịch mà rất nhiều doanh nghiệp Singapore mong muốn quay lại Việt Nam, Đại sứ Mai Phước Dũng kiến nghị sớm có chính sách về cách ly y tế. "Chúng tôi kiến nghị chúng ta có thể áp dụng như Singapore: Khách vào Việt Nam cần xét nghiệm PCR âm tính trước khi nhập cảnh và khi nhập cảnh không cần cách ly nữa. Đây là mong mỏi của không chỉ người Việt sống ở Singapore mà cả người Singapore và khách quốc tế sinh sống tại đây"- Đại sứ Mai Phước Dũng nêu.
Cùng ý kiến với Đại sứ Việt Nam tại Singapore, rất nhiều ý kiến tại hội nghị nhấn mạnh cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nhập cảnh và y tế. Bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines, đề xuất trong 1-2 tuần tới nên có văn bản rõ ràng về mở cửa lâu dài, bỏ quy định cách ly và đơn giản hóa quy định về xét nghiệm, cần có văn phòng du lịch tại các quốc gia.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airwways, nhấn mạnh du lịch Việt Nam cần có thông điệp trong ngày 15-3 về mở cửa toàn diện: Về visa, cách ly y tế…
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airwways, cho rằng du lịch Việt Nam cần có thông điệp trong ngày 15-3 về mở cửa toàn diện: Về visa, cách ly y tế…
Theo lãnh đạo hãng hàng không này, các doanh nghiệp hàng không, nghỉ dưỡng, du lịch đã sẵn sàng và hơn bao giờ hết cần sự chỉ huy thống nhất của Tổng cục Du lịch để mở cửa trở lại, phát triển. Bắt đầu mở cửa, các doanh nghiệp chưa đặt mục tiêu lợi nhuận mà là phục hồi sản xuất và qua quá trình này lợi nhuận sẽ đến.
Đại sứ "mách nước"phát triển du lịch
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhấn mạnh hiện nay nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao, 80% người Mỹ có nhu cầu đi du lịch trong 6 tháng tới, tập trung vào các hình thức du lịch an toàn, an ninh, du lịch bền vững, du lịch xanh; hạ tầng y tế tốt, bảo đảm về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, đồng thời cần linh hoạt trong thay đổi lịch trình trước những rủi ro có thể đột xuất xảy ra. Người Mỹ thích du lịch gia đình và trải nghiệm; ưa thích lưu trú tại home stay, đặt phòng qua mạng, áp dụng công nghệ thông tin, tránh tiếp xúc trực tiếp nhân viên. Người Mỹ đánh giá Việt Nam là điểm đến yêu thích, đông đảo người Việt tại Mỹ có nhu cầu về Việt Nam thăm thân, đầu tư; hiện Việt Nam - Mỹ đã có đường bay thẳng.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, chúng ta chủ trương mở cửa du lịch nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về xuất nhập cảnh, phòng chống dịch bệnh nên đến ngày 15-3, Đại sứ quán chưa thể cấp visa cho du khách theo hướng dẫn mới.
Bên cạnh đó, do số ca bệnh của Việt Nam đang tăng cao, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ xếp Việt Nam vào nhóm khuyến cáo hạn chế đi lại, dù nhóm này có tới 130 nước song đây cũng là trở ngại. Bên cạnh đó, Việt Nam đóng cửa du lịch dài so với nhiều nước trong khu vực nhưng khi mở cửa trở lại chưa có nhiều sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút khách.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị chủ trương mở cửa du lịch của ta nên triển khai nhất quán từ Trung ương đến địa phương để có thể thông báo một cách thống nhất đến các cơ quan đại diện, các hãng hàng không, đối tác… tránh thay đổi đột ngột, có văn bản bằng tiếng Anh để dễ dàng quảng bá.
Đồng thời, các sản phẩm du lịch cần bám sát xu hướng du lịch mới, có chương trình khuyến mãi, cơ sở y tế chất lượng cao, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh. Các cơ quan cần tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, đặc biệt là an toàn phòng chống dịch bệnh. Cần đẩy mạnh số hóa và quảng bá du lịch qua Internet, thực tế ảo.
Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhấn mạnh trước dịch, lượng khách du lịch đến 1 triệu khách/năm với 10-15 chuyến bay /ngày. Đây là thị trường tiềm năng lớn và có thể khôi phục, song cần có thời gian. Vì Việt Nam mở cửa song phía Nhật Bản chưa mở hoàn toàn: Khách từ Việt Nam vào Nhật Bản vẫn phải cách ly 3 ngày, bên cạnh đó các yếu tố rủi ro trong dịch bệnh khiến khách đi du lịch phải cân nhắc.
Người Nhật có thói quen đi du lịch đông song Chính phủ Nhật Bản chưa khuyến khích tour du lịch đông người. Do đó, nên tiếp xúc đối tác sớm để có các tour dài hơi, đặc biệt du khách Nhật Bản sẽ đông vào các tháng 6, 7, 8. Hiện Nhật Bản đang khuyến khích du lịch nội địa, có nhiều hỗ trợ giảm giá nên doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần có giá tour cạnh tranh.
"Đối tượng khách cần tập trung hiện nay là nên khuyến khích số doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam - ngay lập tức có thể đáp ứng mở cửa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao và Tổng cục Du lịch nên có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích doanh nghiệp vào Việt Nam. Cần có những hội nghị, tọa đàm trao đổi với doanh nghiệp Nhật Bản để tìm hiểu bạn muốn gì để có biện pháp cụ thể với từng địa bàn đặc thù"- Đại sứ khuyến nghị.
Ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nhấn mạnh cần có kế hoạch sớm để quảng bá, đẩy mạnh truyền thông mạnh mẽ hơn, đi trước đón đầu. Cần có ấn phẩm quảng bá bằng ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, cần chính thức hóa một logo và khẩu hiệu mới cho thời kỳ mới về sự khởi sắc mới của Việt Namsau đại dịch
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp tại Ấn Độ có khoản tiền cho nhân viên đi du lịch, và doanh nghiệp du lịch ta nên tiếp cận thẳng các tập đoàn của Ấn Độ. Với du khách Ấn Độ, cần có giá ưu đãi cho các đoàn đông.
Phó Thủ tướng gọi điện cho Bộ trưởng Y tế
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngày 15-3, Việt Nam không chỉ mở cửa lại du lịch, mà bản chất là Việt Nam chính thức mở lại giao lưu và giao thương quốc tế, như trước khi có dịch Covid-19, kèm theo một số giải pháp trên tinh thần quản lý rủi ro, kiểm soát được rủi ro, có những biện pháp để giữ an toàn cho tất cả mọi người, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài trên phương diện chống dịch. Trong đó, đặc biệt đã khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước khi có dịch. Tuy nhiên, cần xác định không phải mở cửa là sẽ đầy khách ngay, quá trình phục hồi phải tính bằng nhiều tháng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần sớm có văn bản hướng dẫn cho khách nhập cảnh. Bộ VH-TT-DL phải có văn bản hướng dẫn chính thức và xin ý kiến Bộ Y tế. Ngay bên lề cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã gọi điện thoại trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này.
Phó Thủ tướng đề nghị hai Bộ Ngoại giao và Văn hoá, Thể thao và Du lịch sau hội nghị sẽ tiếp tục hợp tác và có các hoạt động, chương trình thiết thực triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả. Chúng ta cần chú trọng vào chất lượng, có thể không nhiều hoạt động nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, khai thác được vai trò của mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Đề nghị các Đại sứ tích cực đấu nối với các cơ quan, doanh nghiệp nước bạn để mở cửa lại cho tốt.
Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến đến nhiều đầu cầu trên thế giới. Đây là hội nghị về du lịch đầu tiên có tất cả 94 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự cùng lãnh đạo các tỉnh, TP; đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp khách sạn, du lịch, các hãng hàng không…
Trình bày về chính sách nhập cảnh của Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cho biết: Ngày 15-3, Chính phủ ban hành nghị quyết phục hồi chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước. Còn việc phục hồi chính sách miễn thị thực song phương, khi được thông qua, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo rộng rãi.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng lưu lý việc Khôi phục chính sách thị thực không đồng nghĩa với việc du lịch sẽ phục hồi ngay do hiện nay một số nước Đông Nam Á chưa phục hồi chính sách thị thực du lịch, một số nước khuyến cáo công dân chưa nên đến Việt Nam thời điểm này như Mỹ, một số nước Châu Âu; còn Trung Quốc, thị trường du lịch lớn nhất của nước ta đang áp dụng chính sách "zero Covid", Nga đang vướng vào xung đột Ukraine… cũng ảnh hưởng lớn đến lượng khách du lịch đến Việt Nam.
"Thị thực không phải là yếu quyết định để phục hồi du lịch, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng ngành du lịch, nhân sự, tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch đến Việt Nam…"- Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự nhấn mạnh.
Bình luận (0)