Để đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế của năm 2023 và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế của TP HCM, ngành du lịch thành phố đã, đang triển khai một loạt giải pháp. Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, xung quanh chủ đề này.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM
Phóng viên: 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch TP HCM đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, vậy làm sao để có thể đón 5 triệu lượt khách như mục tiêu Sở Du lịch đề ra từ đầu năm?
- Ông LÊ TRƯƠNG HIỀN HÒA: Với 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến, thành phố đóng góp khoảng 43% tổng số khách du lịch quốc tế của cả nước, đạt khoảng 70% kế hoạch năm 2023 và dự báo sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra. Kết quả này có được do sự nỗ lực ngay từ đầu năm của cả ngành du lịch thành phố khi liên tục ra mắt sản phẩm mới, tổ chức nhiều sự kiện du lịch cùng hoạt động xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài.
Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tập trung khai thác, phát huy thế mạnh du lịch của TP Thủ Đức và các quận, huyện gắn liền với các loại hình du lịch là tiềm năng thế mạnh của địa phương. Triển khai kế hoạch phát triển du lịch đường thủy, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn; phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch ban đêm... Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch y tế cũng như hoàn thiện Chính sách phát triển du lịch MICE, gia tăng sức hấp dẫn cho điểm đến để đón dòng khách có mức chi tiêu cao, khuyến khích doanh nghiệp du lịch đưa khách MICE đến thành phố.
Thành phố cũng thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng, Thạnh An, Cần Giờ gắn với khai thác giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ.
Tập trung triển khai có hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến nhằm tạo hiệu ứng tích cực, độ lan tỏa cao.
Du lịch sông nước là một trong những thế mạnh của TP HCM nếu được khai thác hiệu quả Ảnh: Hoàng Triều
Thời điểm này đã vào mùa cao điểm đón khách quốc tế hằng năm, tín hiệu của du lịch thành phố về lượng khách đến đã tích cực chưa? Những sản phẩm "đinh" nào thành phố đang đẩy mạnh quảng bá để kéo khách đến?
- Chúng tôi đang tiếp tục triển khai các gói kích cầu đã được phát động trong Lễ hội Sông nước lần thứ nhất đến hết năm 2023; triển khai đẩy mạnh du lịch y tế, du lịch MICE, du lịch golf; đầu tư làm mới các sản phẩm du lịch nội đô trong chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch, đường thủy…
Theo các dự báo, lượng khách quốc tế đến thành phố đang tăng, dù tỉ lệ tăng chậm so với tốc độ tăng trước đây, công suất phòng của khối khách sạn cũng có tín hiệu tăng khả quan. Ngành du lịch đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá tại các thị trường với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa - lịch sử, ẩm thực và du lịch cộng đồng. Đặc biệt là nhiều lễ hội - sự kiện được tổ chức trong các tháng cuối năm như Tuần lễ du lịch, Giải Marathon quốc tế, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô là những sự kiện tạo ra sức hút lớn đối với du khách.
Sau dịch COVID-19, nhu cầu, xu hướng thị trường nguồn khách và du khách thay đổi lớn, vậy trọng tâm các thị trường khách du lịch thành phố đang tập trung đầu tư xúc tiến, quảng bá là gì? Những thị trường nào tiềm năng nhất?
- Ngành du lịch thành phố đang tập trung quảng bá thu hút khách từ các thị trường gần bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc); các thị trường đang tăng trưởng gồm Úc, Ấn Độ, Mỹ. Triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam - TP HCM tại nước ngoài với trọng tâm là các chương trình xúc tiến du lịch tại Singapore, Mỹ, Lào; tập trung dòng khách MICE và khách trung - cao cấp từ các thị trường gần trong khu vực châu Á…
TP HCM đang xây dựng những sự kiện lễ hội được tổ chức thường niên để thu hút du khách
Dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM, các sở, ngành đang tích cực phối hợp để tổ chức các sự kiện, lễ hội quy mô lớn, dài ngày và định kỳ nhằm thu hút khách đến và ở lại thành phố. Sẽ hình thành liên minh kích cầu từ khối hàng không, mua sắm, ăn uống, lưu trú và lữ hành… để thu hút khách và kích cầu tiêu dùng du lịch.
Thành phố đang nỗ lực hình thành các sản phẩm mới và kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm mới để phục vụ du khách; phối hợp các quận, huyện và doanh nghiệp làm mới các sản phẩm đã có để thu hút khách đến.
TP HCM định hướng phát triển du lịch xanh ra sao, đặc biệt là định hướng phát triển Cần Giờ trong chiến lược kinh tế xanh của TP HCM?
- Du lịch xanh là xu hướng phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030; trong đó Cần Giờ là một trong các khu vực trọng điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, biển và khu dự trữ sinh quyển. Vừa qua, ngành du lịch đã thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng và sẽ triển khai giai đoạn 2, thí điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Cần Giờ. Sở Du lịch cũng đang phối hợp với Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại 5 huyện của thành phố.
Về định hướng phát triển du lịch xanh, thành phố sẽ tập trung vào 6 nội dung chính, trong đó có cơ sở hạ tầng như công viên, hạ tầng kết nối du lịch, du lịch xanh ở Cần Giờ. Tạo môi trường phát triển du lịch xanh thông qua các cơ chế khuyến khích du lịch xanh, hợp tác với các địa phương để phát triển du lịch xanh.
Nâng cao chất lượng dịch vụ như: tập huấn cho các cơ sở du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN, tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên; truyền thông, quảng bá về du lịch xanh. Khuyến khích doanh nghiệp xanh như hỗ trợ vốn, ưu đãi khi đầu tư liên quan đến kinh tế, du lịch xanh và phát triển sản phẩm du lịch xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… ◊
(xem Báo Người Lao Động số ra từ ngày 18-10).
Bình luận (0)