Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 8,9 triệu lượt khách quốc tế, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa có dịch COVID-19. Riêng TP HCM đã đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu cả năm dự kiến đón khoảng 5 triệu lượt khách. Ngành du lịch thành phố đang tăng tốc quảng bá, xúc tiến, đầu tư nâng chất sản phẩm… với kỳ vọng tiếp tục trở thành điểm đến thu hút, giữ chân khách du lịch trong nước và quốc tế.
Không thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn
Số liệu của Sở Du lịch TP HCM cho thấy trong 9 tháng của năm nay, TP HCM đã đón khoảng 3,56 triệu lượt khách quốc tế, tăng 69% so cùng kỳ năm ngoái; đón gần 27 triệu lượt khách nội địa, tăng 24,9% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu du lịch 9 tháng ước đạt 125.463 tỉ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ.
Du lịch TP HCM không ngừng đầu tư vào sản phẩm mới để thu hút khách trong nước và quốc tế ảnh: Hoàng Triều
Tính chung cả nước, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm 2023 là đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế và đến thời điểm này đã vượt chỉ tiêu. Trong khi mục tiêu cả năm của TP HCM đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và đến giờ là chưa đạt. Do đó, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực tăng tốc, làm mới điểm đến bằng những sản phẩm thật sự hấp dẫn.
Đơn cử như chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TP HCM, Sở Du lịch TP cho biết sau 3 đợt tổ chức, đến nay chương trình đã thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan đến từ các địa phương, khách du lịch quốc tế ngày càng tăng. Người dân và du khách được tham quan công trình kiến trúc để hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của tòa nhà hơn 100 năm tuổi.
Hay ngay sau sự kiện Lễ hội Sông nước TP HCM lần đầu tiên tổ chức vào tháng 8-2023, rất nhiều du khách và doanh nghiệp (DN) chia sẻ "cái được" lớn nhất của lễ hội không chỉ là hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến thành phố mà còn cho thấy tiềm năng quá lớn của du lịch sông nước...
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, nhận định nếu trước dịch COVID-19, sản phẩm du lịch của TP HCM tập trung nhiều vào những sản phẩm truyền thống từ tham quan nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống Nhất hay những tour tham quan Cần Giờ, Củ Chi... thì từ sau dịch COVID-19 đến nay, sản phẩm du lịch của thành phố đã có sự đầu tư nhiều hơn, xây dựng hoặc làm mới một loạt điểm đến; chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" cũng góp phần tạo thêm một loạt sản phẩm du lịch cho TP HCM.
Du khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, với khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã đóng góp khoảng 40% tổng số khách du lịch quốc tế của cả nước, đạt khoảng 70% kế hoạch năm 2023 và dự báo sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra. Kết quả này có được do sự nỗ lực ngay từ đầu năm của cả ngành du lịch thành phố khi liên tục ra mắt sản phẩm mới, tổ chức nhiều sự kiện du lịch cùng với các hoạt động xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài…
"Sản phẩm du lịch của thành phố không thiếu và đang được xây dựng, cải tạo, làm mới đủ sức tạo nét riêng có, hấp dẫn cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Câu chuyện hiện tại là cần phải đẩy mạnh chuỗi liên kết, hợp tác với các địa phương để thu hút khách du lịch tới cũng như tăng cường quảng bá đến những thị trường trọng điểm để kéo du khách quốc tế đến" - ông Mẫn nói.
Du khách tham quan khu tưởng niệm Mậu Thân 1968
Quảng bá nhắm đến thị trường khách trọng điểm
Ngày 13-10, Chương trình Quảng bá du lịch Việt Nam - TP HCM đã diễn ra tại Trung tâm Fort Mason - địa danh văn hóa và nghệ thuật San Francisco, California. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động quảng bá, xúc tiến tại Mỹ do Sở Du lịch TP HCM - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại TP San Francisco, bang California phối hợp tổ chức.
Chương trình quảng bá xúc tiến đã giới thiệu điểm đến và các sản phẩm mới của du lịch Việt Nam - TP HCM, nhất là các sản phẩm phù hợp với thị trường Mỹ; giới thiệu các dự án du lịch cần thu hút nhà đầu tư Mỹ đến thành phố; gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa các DN của 2 quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết chương trình có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức ngay sau khi Việt Nam và Mỹ ra Tuyên bố chung nâng tầm Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó du lịch là một trong 10 lĩnh vực được xác định thúc đẩy, hợp tác. Hoạt động này không chỉ góp phần triển khai, cụ thể hóa tuyên bố chung giữa 2 nước mà còn mở ra nhiều cơ hội để tăng trưởng lượng khách du lịch trong thời gian tới.
"Với chính sách visa mới, luôn mong muốn được chào đón cộng đồng người Việt và du khách Mỹ đến để trải nghiệm và cảm nhận sự đổi thay của Việt Nam và TP HCM hôm nay. Và hãy lựa chọn thành phố là điểm đến đầu tiên vì từ đây du khách có thể đi đến tất cả tỉnh, thành của Việt Nam cũng như các quốc gia khác" - bà Ánh Hoa nói.
Dự kiến, các hoạt động xúc tiến tại Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện trong 3 năm tới để phát triển thị trường bền vững. Mỹ là một trong những thị trường khách quan trọng đối với du lịch Việt Nam, có nhiều tiềm năng đóng góp vào dòng khách du lịch đến Việt Nam, trong đó có TP HCM. Trước dịch COVID-19, TP HCM đã đón hơn 560.000 lượt khách năm 2019. Thị trường Mỹ có nhiều tiềm năng tăng trưởng và luôn nằm trong 10 thị trường khách du lịch hàng đầu những năm gần đây. ◊
Bình luận (0)